Tình nguyện phụ đạo cho học sinh cuối cấp
Thời điểm này, học sinh khối lớp 12 đang vào guồng ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT cấm dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường, ngoài giờ học chính khóa, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh ôn phụ đạo miễn phí cho học sinh cuối cấp, đồng hành cùng các em phấn đấu đạt kết quả thi tốt nhất.

Giờ ôn luyện tốt nghiệp của học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông).
Chiều thứ 2 - 6 hàng tuần, các lớp ôn thi tốt nghiệp của thầy và trò Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông) diễn ra sôi nổi. Nhà trường hiện tổ chức 20 lớp ôn luyện tất cả các môn có học sinh dự thi. Trong đó, 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn mỗi môn 6 lớp; các môn tự chọn như: Lịch sử và Địa lý có 4 lớp/môn; Giáo dục kinh tế và pháp luật 3 lớp; Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh có 1 lớp/môn.
Đặc biệt, môn Tiếng Anh chỉ có 2 em dự thi nhưng vẫn mở lớp ôn luyện. Cô Triệu Thu Hương, giáo viên phụ trách lớp, cùng 2 học sinh luôn đến sớm tập trung phụ đạo cho học sinh. Cô Hương chia sẻ: “Dù chỉ có 2 học sinh nhưng được sự phân công của nhà trường, tôi vẫn xây dựng kế hoạch ôn tập riêng. Vừa hệ thống lại kiến thức nền, vừa luyện các dạng đề, dựa trên năng lực từng em mà ôn luyện sát sao. Theo từng giai đoạn, tôi thiết kế bài kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh để có định hướng ôn luyện tốt nhất”.
Được biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh nhà trường đạt dưới 4 điểm. Hiện 3 cô trò cùng nỗ lực ôn luyện, phấn đấu đạt mức 6 - 7 điểm. Ngoài 2 tiết học thêm/tuần theo đúng quy định, cô Hương còn lập nhóm zalo để gửi tài liệu học tập, thường xuyên trao đổi, động viên, hướng dẫn các em. Nhà trường có 3 giáo viên Tiếng Anh đều sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ các em khi cần.
Em Lò Thị Lan Anh, lớp ôn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh tâm sự: “Ban đầu em hơi tâm lý và áp lực vì ít bạn thi cùng, ôn cùng môn này. Nhưng đây là điều may mắn khi em được cô kèm cặp, hướng dẫn tận tình, dành nhiều thời gian. Dù không thu phí nhưng các thầy cô rất tâm huyết ôn luyện cho chúng em, giúp chúng em chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi”.
Năm học này, Trường THPT Trần Can có 232 học sinh lớp 12. “Với yêu thương và trách nhiệm, các giáo viên dạy khối lớp 12 tự nguyện, đồng thuận cao tham gia ôn thi không thu tiền cho học sinh dự thi tốt nghiệp. Các thầy cô đều tận tâm, xây dựng giáo án, thiết kế bộ đề, sưu tầm tài liệu, hướng dẫn các em ôn luyện. Năm học trước, Trường THPT Trần Can có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, với nỗ lực của thầy và trò, tiếp tục phấn đấu duy trì kết quả này” - thầy Nguyễn Hữu Đà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Can cho biết.
Tại Trường THPT huyện Mường Nhé cũng vậy. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT không làm gián đoạn việc ôn luyện cho học sinh cuối cấp. Bởi lẽ giáo viên nhà trường sẵn sàng dạy thêm không thu phí cho các em. Tất cả các môn có học sinh dự thi đều được mở lớp ôn luyện, kể cả chỉ có 1 học sinh như môn Sinh học. Thầy Lê Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Nhé cho biết: “Mường Nhé là địa bàn biên giới xa xôi, còn nhiều khó khăn, đa số học sinh không có điều kiện học thêm. Để đồng hành cùng các em, nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp, trường đã họp lấy ý kiến giáo viên. Tất cả thầy cô đều nhất trí sẵn sàng tham gia phụ đạo ôn thi tốt nghiệp (không thu phí) cho học sinh lớp 12 vào các buổi chiều”.
Hiện nay, Trường THPT huyện Mường Nhé mở 13 lớp ôn thi tốt nghiệp ở các môn khác nhau, thầy cô chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, trang bị tài liệu, biên soạn bộ đề cho học sinh. Với thời lượng theo quy định không được dạy thêm quá 2 tiết/tuần/môn, giáo viên cùng nhà trường bồi đắp vững kiến thức cơ bản cho học sinh, phân loại theo năng lực, nguyện vọng để ôn luyện nâng cao cho các em. Một yếu tố quan trọng mà Hiệu trưởng Lê Trường Giang nhấn mạnh là: “Không có nhiều tiết dạy thêm nên thầy cô đều cố gắng hướng dẫn phương pháp và rèn luyện khả năng độc lập suy nghĩ, tinh thần tự giác, tự tìm tòi, học hỏi cho mỗi học sinh, hướng dẫn các em tự ôn luyện thêm tại nhà. Làm sao để các em hiểu và có thể tự giải đáp các đề thi, ôn thi một các hiệu quả”. Cùng với đó giáo viên còn kèm riêng cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, hàng tối tham gia lớp tự học của học sinh bán trú để hỗ trợ các em khi có vướng mắc, chưa hiểu bài. Đây cũng là mô hình không chỉ diễn ra tại Trường THPT Trần Can, hay Trường THPT huyện Mường Nhé mà đang được thực hiện ở tất cả các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh.