Những ảnh hưởng tích cực của Thông tư 29 đối với học sinh

Khi Thông tư 29 được triển khai đã tác động không nhỏ tới hoạt động học tập của học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh. Sau những xáo trộn ban đầu khi các em phải dừng lại việc học thêm có đóng phí tại trường (đối với học sinh phổ thông) và không học thêm, trừ các môn nghệ thuật, thể thao, năng khiếu, kỹ năng sống (đối với học sinh tiểu học), đến nay, nhận thức về việc tự học, tự tìm hiểu, tự ôn tập tại nhà… đã giúp cho nhiều học sinh chủ động hơn trong việc học tập của mình.

Thời điểm nhà trường triển khai thực hiện Thông tư 29, em Trần Quỳnh Giang, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) rất lo lắng khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch ôn tập của nhà trường, thời gian này là giai đoạn đầu học sinh lớp 12 như Giang sẽ được học ôn tập tại trường vào các buổi chiều. Nhưng khi nhà trường đã dừng dạy thêm tại trường từ 14/2, vào các buổi chiều ở nhà, Giang phải làm bài tập và tự tìm kiếm các tài liệu, bài giảng trên mạng để tham khảo… Em Trần Quỳnh Giang chia sẻ: Do chưa quen với việc tự học nên thời gian đó em cảm thấy khá lúng túng. Cùng với đó, bố mẹ em sốt ruột, lo lắng càng làm cho em thấy áp lực và em nghĩ rằng mình cần phải tìm một phương pháp học ở nhà hiệu quả. Rất nhanh sau đó, em đã nhanh chóng tìm được cảm hứng học tập ở nhà; việc tự ôn tập cũng được em lên kế hoạch. May mắn hơn, đến đầu tháng 3 vừa qua, nhà trường thông báo dạy ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 12 với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần, phần nào giúp giải tỏa áp lực cho cả em và bố mẹ của em...

Tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương, nhất là các địa bàn nông thôn, việc không được học thêm trong trường của học sinh phổ thông, nhất là học sinh cuối cấp theo Thông tư 29 khiến không ít học sinh lo lắng vì các em không có điều kiện để học thêm bên ngoài trường học. Để tìm kiếm được trung tâm giáo dục tổ chức hoạt động dạy thêm cho học sinh theo quy định, phí học thêm ở đây thường cao hơn rất nhiều so với học thêm trong nhà trường trước đó. Em Vũ Hải Lâm, học viên lớp 12 C3, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên thị xã Duy Tiên cho biết: Do điều kiện gia đình em không cho phép học thêm ở các trung tâm đó, vì thế nếu trường dừng dạy thêm theo quy định mới, chúng em gặp khó khăn trong việc ôn tập… Còn với em Nguyễn Minh Hằng, học viên lớp 12 C3, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên thị xã Duy Tiên, Thông tư 29 đã làm cho học sinh phải tự ý thức về cách học tập của mình. Trong thời gian không được học thêm ở trường học vừa qua, bản thân em tự cảm thấy sốt ruột, lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới nên buộc phải tự học, tự tìm tài liệu tham khảo... Vì nhiều lý do, việc làm này trước đây với những học sinh như Hằng rất khó thực hiện.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) trong giờ học ôn tập miễn phí tại trường.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) trong giờ học ôn tập miễn phí tại trường.

Không học thêm trong nhà trường, học sinh được điều chỉnh lịch học chính khóa. Các em được học từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 6. Mỗi lớp được phân bổ học 2 buổi chiều trong tuần trên cơ sở san sẻ thời khóa biểu buổi sáng sang buổi chiều. Việc triển khai thực hiện dạy học 5 ngày/tuần của các trường bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa, tạo điều kiện cho học sinh được nghỉ học hai ngày cuối tuần, giúp giảm áp lực học tập, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt với gia đình, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó cân bằng việc học tập và phát triển kỹ năng mềm... Với học sinh tiểu học, không phải học thêm các môn văn hóa ngoài giờ trên lớp, các em có thời gian vui chơi, gần gũi với các thành viên trong gia đình nhiều hơn. Nhưng với học sinh các lớp 6, 7, 8, 10, 11, khi không học thêm trong trường học, nhiều em do thiếu sự quản lý của gia đình, cha mẹ nên dành thời gian để chơi, tụ tập bạn bè tham gia các hoạt động khó kiểm soát và hầu như không có ý thức tự học, tự rèn luyện.

Theo ông Nguyễn Thiện Chiến, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lý Nhân, công tác tuyên truyền về quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 cần được đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa, giúp cho phụ huynh và học sinh hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của việc tự học, tự nghiên cứu trong quá trình phát triển năng lực, tư duy của bản thân mỗi học sinh. Thực hiện tốt Thông tư 29, học sinh sẽ dần dần thay đổi ý thức, không còn bị động hay ỷ lại vào giáo viên trong nhiều hoạt động giáo dục mà có sự chủ động và sáng tạo hơn, phát huy tốt hơn năng lực của bản thân. Hơn thế, các em sẽ không bị quá áp lực về tâm lý khi phải học thêm quá nhiều. Để Thông tư 29 tác động tích cực đến học sinh, bản thân các gia đình, nhất là các bậc phụ huynh cần hiểu một cách đúng đắn mục tiêu, ý nghĩa mà Thông tư hướng tới: xây dựng phát triển một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm…

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhung-anh-huong-tich-cuc-cua-thong-tu-29-doi-voi-hoc-sinh-155876.html
Zalo