Tình người Hà Nội
Những ô tô di chuyển chầm chậm, chắn gió cho xe máy; những con người bé nhỏ, đẫm ướt trong mưa vẫn chạy ra dìu nhau từ đường vào gầm cầu tránh gió; những lời mời thành thực dành chỗ trú bão cho người vô gia cư; những chuyến đò ngược Mỹ Đức lên Yên Bái…
Chẳng phải đến khi cơn bão Yagi xoáy lốc trong TP, người Hà Nội mới nồng ấm trao nhau những ân tình như vậy…
Ngược dòng thời gian
Những hình ảnh đẹp lan đi trên mạng xã hội trong cơn cuồng phong của đất trời khiến ai nấy lòng như dịu lại, rưng rưng xúc động mà trân trọng tự hào. Trong mênh mang trí nhớ một thời đã qua, những hình ảnh khó phai lại hiện hình nhắc nhớ, nhất là với thế hệ “thất thập cổ lai hy” sống gần trọn cuộc đời ở đất nghìn năm này.
Ông bạn già lại nối đường dây điện thoại từ phố Tống Duy Tân sang phố Hàng Bông nhà tôi bằng cái giọng rưng rưng: “Xem người ta dìu nhau đi trong bão chưa? Người Hà thành mình xưa nay vẫn thế, có bao giờ thờ ơ với người khác trong hoạn nạn đâu!”. Lời ông bạn già cứ như hối thúc những câu chuyện cũ trở về trong tôi như một thước phim kỷ niệm. Tôi nhớ câu chuyện của một người anh em từ năm 1979, mà ngọt ngào đi về trong tâm trí đến tận hôm nay.
Ấy là một ngày cuối Thu, cậu ấy hồ hởi cầm “Giấy Công lệnh” từ mặt trận biên giới Lạng Sơn trở lại Hà Nội để gặp người thân từ miền Nam ra thăm. Trong túi chỉ có vài đồng bạc, nhưng cậu vẫn yên trí lên đường vì thời ấy nhiều “bác tài” xe khách, xe tải thường cho bộ đội quá giang không lấy tiền. Đúng là như vậy, vẫy được chiếc xe khách Hải Âu, rỉ tai anh phụ xe xin đi nhờ, lập tức cậu nhận được cái gật đầu vui vẻ “Bến Nứa à?”.
Tiếc là đến điểm hẹn ở phố Thợ Nhuộm, người anh em của tôi không gặp được người thân, đành vội vàng cuốc bộ trở lại Bến Nứa mong kịp chuyến xe cuối cùng trở về đơn vị; trong lòng tự tặng mình niềm an ủi thật thà rằng dẫu sao cũng đã được bước chân trên đường phố Hà Nội đúng vào mùa quyến rũ nhất trong năm, đã có những khoảnh khắc bình yên, thảnh thơi giữa lòng Thủ đô sau những tháng ngày gian lao ngoài mặt trận.
Bất chợt cậu nghe tiếng gọi: “Anh bộ đội ơi, về đâu tôi đưa đi” của anh xích lô từ phía sau. Từ chối mãi vì trong túi chẳng có tiền mà anh xích lô thì cứ tha thiết, anh đành nói thật. Không thể ngờ, anh xích lô rôm rả: “Tôi về nhà trên Bến Nứa, tiện thể tôi đưa đi, không lấy tiền đâu!”. Cậu ấy lên xe, chiếc xích lô bon bon trên đường mà trong lòng áy náy khó tả, liền đề nghị anh xích lô dừng xe đổi chỗ, mỗi người đạp một đoạn. Đến Bến Nứa lúc chiều muộn, anh xích lô giục vào quầy mua vé ngay kẻo lỡ chuyến.
Cầm chiếc vé trong tay, cậu còn quay lại chỗ anh xích lô đưa những đồng tiền cuối cùng trong túi, nhưng anh xích lô gạt đi, chỉ tay về phía quán vỉa hè bảo cậu ấy trả tiền mua 2 chiếc bánh chưng nhỏ, một chiếc anh mang về nhà, còn một chiếc đưa cậu ấy… Những tháng năm bình yên sống sau này, tôi vẫn nhớ người anh em ấy bảo tôi: “Tình người Hà Nội thật ấm áp, nó không là ngọn lửa bùng cháy, nhưng là bếp than hồng nồng đượm, lắng sâu”.
Đúng là như vậy, cái nồng đượm, lắng sâu của người Hà Nội lại bắt gặp trong những tháng ngày Covid-19 bùng phát. Chỉ là những túi gạo, thùng mì tôm, bó rau, gói bánh, những chiếc khẩu trang, những suất cơm tình nghĩa… nhưng chứa đựng cả tấm lòng, sự cảm thông, sẻ chia gửi tới bà con trong khu cách ly, các chiến sĩ áo trắng, áo xanh đang ngày đêm trong tâm bão dịch.
Ai cũng sẵn sàng trở thành “chiến sĩ” giữa đời thường. Người nghệ sĩ thì đến tận khu phong tỏa dùng lời ca cổ vũ, động viên tinh thần các y, bác sĩ và người dân; người dân thường thì vận động bạn bè, người quen tham gia nấu bếp, giao hàng nghìn suất ăn, sinh tố, nước ép trái cây cho lực lượng trực chốt hay kêu gọi quyên góp nhu yếu phẩm chuyển đến các điểm cần giúp đỡ; sinh viên y khoa thì xung phong vào tâm dịch tham gia xét nghiệm, lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vaccine; có người lại tình nguyện làm tài xế xe cứu thương 115 bất kể ngày đêm... Cảm nhận thật rõ nét về tình yêu con người sáng lên trong nỗi đau tựa như những vòng tay truyền hơi ấm, vỗ về xoa dịu những mất mát đau thương đang hiện hữu.
Người Hà Nội là thế
Người Hà Nội là thế, chẳng bao giờ thờ ơ với người khác trong cơn hoạn nạn. Cách sẻ chia của người Hà Nội cũng nồng thắm, nhẹ nhàng, chẳng hề ồn ào, phô trương. Ông bạn già của tôi nói không sai: “Cứ nhìn ngắm người Hà Nội ứng xử trong đời thường, trong gió bão, trong dịch bệnh… càng thấy tính cách Hà Nội hiển hiện đầy trân trọng và tự hào”.
Không phải ngẫu nhiên mà văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội, tính cách Hà Nội cứ mãi là đề tài cho các nhà nghiên cứu lật giở, suy ngẫm. Không phải ngẫu nhiên mà người Hà Nội đã đi vào bao trang viết với tính cách thân thiện, dễ gần, không phô trương, hào nhoáng, họ luôn giữ nếp sống khiêm tốn, khoan nhường. Thuở Kinh kỳ xưa cho đến Hà thành đô hội hôm nay, ở người Hà Nội luôn toát lên vẻ nhẹ nhàng, mọi hoạt động đều được hành xử đơn giản nhất. “Thì đấy, trong cơn cuồng nộ của thiên nhiên, người Hà thành cứ lẳng lặng trao gửi yêu thương, lòng trắc ẩn một cách ý nhị và nhẹ nhàng!” - ông bạn già giãi bày.
Hà Nội đã nắm tay nhau, bao bọc nhau vượt qua cơn bão Yagi khắc nghiệt. Ngay từ khi cơn bão chưa ghé đến, lãnh đạo TP đã lo di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân; ngành điện huy động 100% lực lượng ứng trực, sẵn sàng triển khai các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân và cung cấp điện liên tục, ổn định trên địa bàn Thủ đô; ngành Công Thương yêu cầu các DN cung ứng, siêu thị bảo đảm dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân...
Trong gió bão trắng trời, thì ai nấy tai nghe mắt thấy tình người Hà Nội ân cần và thiết tha. Cơn bão đi qua rồi, người Hà thành lại cùng nhau dọn đường dọn phố, khắc phục hậu quả mà cơn bão để lại nơi đô thị này. Và tình người Hà Nội không chỉ dừng ở đó…
Những chiếc đò ở hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã ngược lên Thái Nguyên ngay trong đêm để cứu giúp bà con trong cơn hoạn nạn; những “lời mời” sử dụng ô tô, lái xe… cho những hành trình đi vào vùng lũ; những cuộc vận động quyên góp thực phẩm, nhu yếu phẩm, tiền… tiếp tục lan tỏa trong đời thường và trên mạng xã hội. Những tấm chân tình “nhường cơm sẻ áo”, sẻ chia hoạn nạn từ người Hà Nội lại tiếp tục nối dài đến bà con vùng lũ trên khắp cả nước, dù Hà thành vẫn đang mưa trắng trời và người Hà thành vẫn lặng lẽ dắt xe vượt qua khu vực ngập nước. Người Hà Nội là thế, chẳng bao giờ thờ ơ với người khác trong hoạn nạn; tình người Hà Nội là thế, mãi như bếp than hồng nồng đượm, lắng sâu.