Tính năng nhắn tin vệ tinh trên iPhone cứu mạng nhiều người sau siêu bão Helene

Sau siêu bão Helene, những người bị mất điện hoặc dịch vụ di động đã biến iPhone của họ thành điện thoại vệ tinh.

Một số bài đăng trên mạng xã hội đã kêu gọi những người bị ảnh hưởng bởi siêu bão Helene cập nhật lên phiên bản iOS 18 nếu có thể. Với những người sở hữu iPhone 14 trở lên, tính năng này có thể trở thành cầu nối đến người thân hoặc lực lượng cứu hộ.

Một chuỗi bài đăng trên tài khoản X của Matt Van Swol (cư dân thành phố Asheville, bang Bắc Carolina), đã minh chứng cho sự hữu ích của tính năng nhắn tin vệ tinh trên iPhone với những người không có Wi-Fi hoặc dịch vụ di động.

Van Swol cho biết anh "chưa bao giờ cảm thấy biết ơn vì là người dùng iPhone hơn lúc này" và nhiều người khác cũng ca ngợi tính năng trên iOS 18.

"Do thiếu dịch vụ di động, mọi người ở Asheville hiện tại sử dụng iOS 18 đều có thể gửi và nhận tin nhắn thông qua tính năng nhắn tin vệ tinh. Điều này thực sự đang cứu mạng người", Van Swol, Trưởng bộ phận phát triển thuê bao của công ty Wyze, viết.

Wyze là hãng công nghệ Mỹ chuyên sản xuất các thiết bị nhà thông minh với giá cả phải chăng. Được thành lập vào năm 2017, Wyze nổi tiếng với các sản phẩm như camera an ninh, cảm biến, bóng đèn thông minh, ổ cắm thông minh và các thiết bị gia đình khác. Sứ mệnh của công ty là cung cấp các thiết bị thông minh với giá thành thấp, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận công nghệ và nâng cao trải nghiệm sử dụng trong gia đình.

Wyze đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ sự kết hợp giữa chất lượng sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh, cạnh tranh trực tiếp với nhiều thương hiệu lớn trong ngành nhà thông minh.

Van Swol không phải là người duy nhất nói rằng tính năng nhắn tin vệ tinh đã cứu mạng họ. Một người dùng khác cho biết vẫn có thể liên lạc dù cây cối và đường dây điện bị đổ khiến anh bị mắc kẹt.

Người dùng iPhone 14 trở lên có thể sử dụng tính năng nhắn tin vệ tinh khi không có Wi-Fi hoặc dịch vụ di động - Ảnh: Apple

Người dùng iPhone 14 trở lên có thể sử dụng tính năng nhắn tin vệ tinh khi không có Wi-Fi hoặc dịch vụ di động - Ảnh: Apple

Những người không biết đến hoặc không có quyền truy cập tính năng này không may mắn như vậy. Jeneane Nicodemus nói trang Insider rằng cô đã mất liên lạc với con gái ở Asheville trong ba ngày khi cơn bão tấn công Bắc Carolina.

Tính đến 9 giờ sáng 30.9 (giờ Mỹ), khoảng 370 trong số 1.452 trạm di động của Bắc Carolina đã ngừng hoạt động do thiếu điện, theo Ủy ban Truyền thông Liên bang.

Khi Helene tiến lên phía bắc, các video hướng dẫn và lời kêu gọi hành động bắt đầu lan truyền trên TikTok để đảm bảo mọi người trong vùng ảnh hưởng biết cách kích hoạt tính năng vệ tinh trên iOS 18.

Đây không phải là công cụ chỉ dành riêng cho iPhone. Một số mẫu Google Pixel cũng có tính năng nhắn tin vệ tinh.

Nhiều người nói rằng đã sử dụng tính năng này để báo cho gia đình biết họ an toàn, dù trang web chính thức của Apple khuyên không nên làm vậy trong các tình huống khẩn cấp. Thay vào đó, Apple khuyên người dùng iPhone nên sử dụng tính năng này để nhắn tin cho các dịch vụ khẩn cấp nếu cần giúp đỡ gấp.

Tuy nhiên, Van Swol cho biết tính năng nhắn tin vệ tinh đang tạo ra sự khác biệt.

Ảnh vệ tinh cho thấy sự tàn phá của Helene dọc bờ biển Florida

Hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy sự tàn phá mà Helene gây ra khi đổ bộ lần đầu tiên với sức mạnh của cơn bão cấp 4.

Đảo Bird ở Florida trông giống bị xóa sạch mọi bằng chứng về sự tồn tại của con người trên đó sau siêu bão Helene

Đảo Bird ở Florida trông giống bị xóa sạch mọi bằng chứng về sự tồn tại của con người trên đó sau siêu bão Helene

Tối 26.9, vệ tinh GOES East của NOAA đã ghi lại hình ảnh Helene đổ bộ gần thành phố Perry ở tây bắc Florida. Tại thời điểm đó, tốc độ gió của cơn bão lên tới 140 dặm/giờ (225,31 km/giờ), theo NOAA.

Nhiều ngôi nhà dọc theo khu vực Keaton Beach (hình dưới), chỉ cách Perry 30 phút lái xe về phía nam, đã bị san bằng.

Nhiều ngôi nhà trong Keaton Beach đã bị siêu bão Helene phá hủy

Nhiều ngôi nhà trong Keaton Beach đã bị siêu bão Helene phá hủy

Cảnh sát trưởng của hạt Taylor, nơi Keaton Beach tọa lạc, cho biết Helene đã phá hủy 90% số nhà trong khu vực, theo báo cáo của trang WCTV News.

Những ngôi nhà bị phá hủy chỉ là một phần nhỏ của thiệt hại. Helene đã nhổ bật gốc cây cối, làm đứt đường dây điện và gây ngập lụt cả khu dân cư.

Tính đến ngày 1.10, hơn 49.000 người ở bang Florida vẫn chưa có điện, theo chính quyền bang.

Các khu vực khác gần vùng Big Bend của Florida, gồm cả Dark Island và Fish Creek, cũng bị thiệt hại, được thể hiện trong ảnh vệ tinh của NOAA. Cơ quan này chưa công bố những hình ảnh tương tự cho các bang khác.

Sau khi tàn phá Florida, Helene di chuyển về phía bắc. Theo truyền thông Mỹ, đến nay hơn 130 người đã thiệt mạng ở nhiều bang, gồm cả Georgia, Bắc Carolina và Nam Carolina.

Nhiều người khác đã mất nhà cửa, doanh nghiệp và phương tiện.

Susan Scoggins sở hữu một quán cà phê mang tên Maples ở thị trấn Burnsville (bang Bắc Carolina). Khi nghe tin cơn bão đang đến, cô muốn ở lại để cung cấp thức ăn và chỗ an toàn cho cộng đồng của mình.

"Mong muốn của tôi là Maples sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho mọi người sau khi cơn bão qua. Nhưng bây giờ, tòa nhà đã không còn. Chẳng còn gì cả", Susan Scoggins nói với trang Insider đầu tuần này.

Lũ lụt, mảnh vỡ và thiệt hại với cơ sở hạ tầng đã khiến các thành phố như Asheville (bang North Carolina) và Augusta (bang Georgia) không có nước sinh hoạt và gặp khó khăn trong việc vận chuyển cứu trợ đến một số khu vực.

"Chúng tôi đang cạn nến, cạn pin. Mọi người đang trong tình trạng sinh tồn vì mọi thứ đều rất khan hiếm", Shaday Collins (cư dân Augusta) nói với kênh Georgia Public Broadcasting hôm 30.9.

Tại sao Helene lại gây thiệt hại lớn như vậy?

Các khu vực ở đông nam Mỹ, gồm cả Bắc Carolina, đã phải hứng chịu mưa lớn trước khi Helene đến. Các cơn bão đã đổ tổng cộng 40.000 tỉ gallon nước (51,42 tỉ mét khối nước), tương đương với Hồ Tahoe, xuống khu vực trong hơn một tuần, theo trang Insider.

Thông thường, bão suy yếu và gió giảm dần khi di chuyển từ đại dương ấm sang đất liền khô. Dù Helene suy yếu thành bão nhiệt đới khi di chuyển vào đất liền, mặt đất ấm và ẩm ướt do những cơn mưa trước đó có thể đã giúp cơn bão mạnh hơn bình thường, theo Dev Niyogi, Giáo sư khoa học Trái đất và hành tinh tại Đại học Texas, chia sẻ với trang The New York Times.

"Helene là cơn bão chưa từng có đổ bộ vào phía tây bang Bắc Carolina. Mức độ nghiêm trọng của cơn bão đang đòi hỏi một phản ứng chưa từng có", Thống đốc Bắc Carolina - Roy Cooper nói.

Các con sông dâng tràn, lở đất làm cắt đứt các con đường, lũ lụt cuốn trôi nhiều người khi họ cố gắng tìm nơi trú ẩn an toàn. Lần gần nhất trước đó thành phố Asheville gặp thảm họa tương tự là vào năm 1916 khi hai cơn bão nhiệt đới cùng ập đến, khiến 80 người thiệt mạng, theo The Washington Post.

Các bang bị ảnh hưởng đang cố gắng phối hợp cứu trợ thảm họa cùng với việc phục hồi và cứu hộ. Hàng trăm người vẫn mất tích hoặc không thể liên lạc với người thân.

Một số khu vực miền núi phải dựa vào trực thăng để vận chuyển nhu yếu phẩm. Việc tiếp cận các khu vực nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi biết còn nhiều khu vực chưa tiếp cận được. Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập thông tin về những nơi vẫn cần thiết bị, thực phẩm và nước khẩn cấp", Giám đốc FEMA - Deanne Criswell chia sẻ với CNN.

FEMA (Federal Emergency Management Agency) là Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ. Được thành lập vào năm 1979, FEMA chịu trách nhiệm điều phối và hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với thảm họa, khẩn cấp và thiên tai, như bão, lũ lụt, động đất và các sự kiện khẩn cấp khác tại Mỹ. Cơ quan này cung cấp hỗ trợ tài chính, hậu cần và kỹ thuật cho các chính quyền địa phương và tiểu bang trong quá trình cứu trợ và phục hồi sau thảm họa.

FEMA cũng hợp tác với các cơ quan liên bang khác, tiểu bang và chính quyền địa phương để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp và nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng khi xảy ra thảm họa.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tinh-nang-nhan-tin-ve-tinh-tren-iphone-cuu-mang-nhieu-nguoi-sau-sieu-bao-helene-224459.html
Zalo