Tinh hoa làng nghề Việt hội tụ giữa lòng Thủ đô
Gốm Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái… cùng nhiều sản phẩm làng nghề đặc sắc khác đang được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024.
Sáng ngày 3/10, tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (498 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 chính thức khai mạc. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, nhằm tôn vinh các làng nghề, nghệ nhân và sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những năm qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn Việt Nam có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận gia đình ở nông thôn.
Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5.400 làng nghề và số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng nghề, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Đây cũng là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản..., mang đến nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn Việt Nam.
Sự kiện lần này thu hút gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước, trong đó có 31 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Đồng Nai, Đắk Nông, Tây Ninh, Tiền Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.
Theo đó, quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước, kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Với quy mô hơn 1.000 m2 trưng bày, hội chợ không chỉ là “sân chơi” giao lưu giữa các nghệ nhân và doanh nghiệp, mà còn là nơi để người tiêu dùng tìm hiểu và trải nghiệm những sản phẩm truyền thống độc đáo. Những sản phẩm này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao mà còn chứa đựng cả lịch sử và văn hóa của các làng nghề Việt Nam.
Những sản phẩm tinh hoa làng nghề quy tụ tại Hội chợ lần này gồm có: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; chiếu cói Nga Sơn, Hương Quốc Tuấn, Gốm Chu Đậu, Gỗ Đông Giao, bạc Châu Khê, gốm Phù Lãng, giầy da Hoàng Diệu, tranh ghép gỗ, thổ cẩm Mai Châu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên…
Điểm nhấn của hội chợ năm nay là chương trình livestream bán sản phẩm làng nghề và nông sản trên TikTok. Tại kênh “Chợ phiên OCOP,” các sản phẩm OCOP cùng nhiều mặt hàng làng nghề thủ công mỹ nghệ sẽ được giới thiệu trực tiếp từ 10h00 - 13h00 ngày 4/10. Cùng ngày, sẽ diễn ra diễn đàn "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ: “Việc kết hợp giữa hội chợ truyền thống và nền tảng trực tuyến giúp sản phẩm làng nghề tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn, đặc biệt là giới trẻ. Qua các phiên livestream, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn, giúp người tiêu dùng nhận thấy vẻ đẹp tinh xảo của các sản phẩm thủ công truyền thống.”
Khi thị trường đang chịu sự chi phối bởi các sản phẩm công nghiệp và hàng loạt nhà máy sản xuất, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống vẫn giữ được vị trí độc đáo, nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo của người thợ. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn trong việc duy trì chuỗi giá trị và phát triển công nghệ sản xuất.
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua hội chợ lần này, các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ có thêm cơ hội phát huy ý tưởng sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm có giá trị văn hóa, kỹ thuật và ứng dụng cao.
Đồng thời, việc quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm làng nghề qua các kênh trực tuyến sẽ giúp các làng nghề ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.