Tinh hoa di sản trên nền lụa Việt

Bộ sưu tập lụa 'Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản' lấy cảm hứng từ 9 bảo vật quốc gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang đến một dấu ấn mới trong nghệ thuật thời trang và văn hóa Việt Nam, chuyển hóa tinh thần của các bảo vật quốc gia thành những thiết kế đương đại trên nền lụa, tạo nên sự gắn kết giữa nghệ thuật trong quá khứ và ngôn ngữ thị giác hiện đại.

Biểu diễn bộ sưu tập "Khơi dậy tinh hoa - Nối dài di sản". Ảnh: BTC.

Biểu diễn bộ sưu tập "Khơi dậy tinh hoa - Nối dài di sản". Ảnh: BTC.

Di sản kết hợp với thời trang

Sự kiện ra mắt bộ sưu tập lụa "Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản" là sự kết hợp giữa tinh thần nghệ thuật từ các bảo vật quốc gia và những sáng tạo đương đại, không chỉ tôn vinh các bảo vật quốc gia mà còn đưa chúng vào đời sống hiện đại qua những tác phẩm lụa tinh xảo. Bà Văn Hằng - người sáng lập thương hiệu DeSilk cho biết: “Khi thực hiện dự án này, chúng tôi xác định đây là trọng trách, cũng là thách thức. Chính các bảo vật đã là những công trình rất lớn, hàm chứa chiều sâu về văn hóa, lịch sử và những yếu tố về nghệ thuật. Vì vậy phải nghiên cứu rất kỹ”.

Mỗi mẫu thiết kế được chuyển hóa từ các bảo vật quốc gia là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, giữ nguyên tinh thần nghệ thuật từ các tác phẩm gốc, đồng thời thổi vào các thiết kế mới phong cách sáng tạo hiện đại. Với bộ sưu tập này, DeSilk mong muốn kết nối quá khứ và hiện tại, đưa nghệ thuật truyền thống vào cuộc sống đương đại qua các thủ pháp nghệ thuật số tinh tế.

Như thiết kế “Song long chầu nhật” lấy cảm hứng từ cánh cửa gỗ chạm khắc rồng tại chùa Keo (Thái Bình) không chỉ là thiết kế tinh xảo mà còn là lời tri ân đến giá trị biểu tượng và kỹ nghệ điêu khắc bậc thầy của nghệ nhân xưa. Hình ảnh 2 con rồng đối xứng, thân hình uốn lượn chầu về phía mặt trời - biểu tượng của sự sống, năng lượng và sự sinh sôi. Mặt trời được cách điệu với các xoáy tròn và tia sáng, gợi lên hình ảnh lá bồ đề, giữ trọn tinh thần tâm linh và phong cách trừu tượng đương đại.

Hay như một thiết kế đặc sắc là bộ sưu tập “Huyền thoại”, lấy cảm hứng từ bảo vật quốc gia - tác phẩm sơn mài “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Hình ảnh Thánh Gióng - vị anh hùng trong truyền thuyết vươn mình trở thành chiến binh khổng lồ bảo vệ quê hương được tái hiện tinh tế trong thiết kế “Huyền thoại”. Với phong cách lập thể pha trộn với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Tư Nghiêm, kết nối với di sản Đông Sơn qua các họa tiết và vòng tròn đồng tâm. Hình ảnh Thánh Gióng mạnh mẽ, sống động được tái hiện qua các mảng màu đỏ, cam và xám bạc, với nền đỏ rực, biểu tượng cho sự uy nghi của người anh hùng dân tộc.

Nhà thiết kế Minh Phạm - Giám đốc Nghệ thuật DeSilk chia sẻ: Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập là sự tôn vinh đối với những kiệt tác nghệ thuật vô giá của dân tộc. Chúng tôi đã chuyển hóa tinh thần của các bảo vật thành những thiết kế đương đại trên nền lụa, tạo sự gắn kết mạnh mẽ giữa nghệ thuật trong quá khứ và ngôn ngữ thị giác hiện đại.

Nâng tầm sáng tạo, tôn vinh văn hóa

Trong quá trình bảo tồn di sản, các giá trị truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà thiết kế trẻ sáng tạo và thể hiện tinh thần tự hào dân tộc. Được biết, hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ hàng vạn tác phẩm mỹ thuật. Trong đó có 9 bảo vật quốc gia - những tác phẩm đỉnh cao của nền mỹ thuật Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bộ sưu tập “Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản” của DeSilk có một sự khác biệt. Không chỉ đưa bảo vật lên mỹ thuật ứng dụng một cách đơn thuần, thụ động mà phía sau mỗi sản phẩm là những ý tưởng về màu sắc, hoa văn là những câu chuyện về bảo vật quốc gia. “Lụa là một sản phẩm truyền thống của người Việt Nam. Và hội họa cũng là đỉnh cao của nghệ thuật. Vì vậy đây là sự kết hợp tuyện vời, tạo ra một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, giúp cho công chúng ngoài việc tìm hiểu về di sản văn hóa thì còn sử dụng sản phẩm cho riêng mình, tạo ra những giá trị lớn” - ông Minh cho hay.

Bộ sưu tập lụa cao cấp "Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản" đã cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ về thời trang hiện nay. Qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang phát triển gắn với phát triển thời trang văn hóa di sản, tôn lên vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế trong ngành thời trang, gợi mở và gìn giữ nét đẹp văn hóa di sản thông qua những thiết kế đầy sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Hồi - Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá, đây là bộ sưu tập vô cùng đặc biệt. Bởi đã kết hợp, đưa bảo vật quốc gia vào tơ tằm cao cấp, lại một lần nữa nâng cấp sản phẩm lên tầm cao mới. Sản phẩm đã thổi hồn Việt và chất chứa biết bao tầng văn hóa của Việt Nam.

Đến nay, cả nước đã xếp hạng hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia; 130 di tích quốc gia đặc biệt trên tổng số hơn 40.000 di tích. Khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tinh-hoa-di-san-tren-nen-lua-viet-10295071.html
Zalo