'Tôn cựu, nghênh tân': Khi chất liệu dân gian ứng dụng trong đời sống hiện đại

Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, Triển lãm 'Tôn cựu, nghênh tân' tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài đã mang đến những góc nhìn ấn tượng cũng như các hoạt động trải nghiệm về kỹ thuật thêu tay truyền thống, vẽ tranh trên lụa… cho du khách trong và ngoài nước.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống, do các tác giả, nghệ sĩ có tên tuổi sáng tạo; các tác phẩm tạo hình nghệ thuật, mỹ thuật độc đáo như: Bộ sưu tập Linh vật, bộ sưu tập các tác phẩm Gốm men Lam, bộ sưu tập Kẹp sách họa tiết văn hóa Đông Sơn, Rồng thời Lý, các tác phẩm thêu tay, tranh lụa .... do các nghệ nhân làng nghề truyền thống, các kiến trúc sư chế tác.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Tôn cựu, nghênh tân"

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Tôn cựu, nghênh tân"

Theo Họa sĩ, nhà điêu khắc Vũ Dũng, tác giả bộ sưu tập Linh vật trưng bày tại triển lãm, để tạo nên những tác phẩm linh vật vừa mang tính nghệ thuật, thể hiện màu sắc dân gian, vừa gần gũi với công chúng không dễ dàng, đó là sự dày công nghiên cứu và chế tác của những người làm nghệ thuật: “Trách nhiệm của tôi là phải làm sao điều chỉnh từ cái chuyên môn điêu khắc hiện đại với dân gian, tìm đến một khoản nào đó để có được sự chấp nhận của giới điêu khắc và cũng được công chúng thưởng thức nó. Đấy cũng là một khó khăn và cũng may thay những tác phẩm tôi làm mới bắt được cái thần, chẳng hạn như đối với con hổ, nó phải dữ dằn, đối với con mèo thì nó phải yêu thương. Thế thì lấy cái tinh thần ấy bằng khối của điêu khắc để diễn tả cái tinh thần của linh vật ấy thì mới để có thể cả giới chuyên môn lẫn công chúng đều có thể thưởng thức được”.

Người dân thích thú với các tác phẩm ứng dụng chất liệu dân gian

Người dân thích thú với các tác phẩm ứng dụng chất liệu dân gian

Bên cạnh các tác phẩm thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống, Triển lãm “Tôn cựu, nghênh tân” còn giới thiệu đến công chúng những thiết kế độc đáo, thể hiện tính ứng dụng văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại như các hình ảnh về khách sạn Smanara Hanoi Heritage tại quận Cầu Giấy– công trình được kiến Trúc sư Đào Thanh Hương sử dụng các nét đặc trưng trong dòng tranh Đông Hồ cho thiết kế của mình.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng khi thiết kế công trình này, kiến Trúc sư Đào Thanh Hương cho biết: “Tranh hàng trống hay tranh đông hồ hoặc các tranh dân gian của chúng ta thì các cách thức nghệ nhân chơi về màu sắc rất đặc biệt. Việc tách các tông màu trong tranh ra chúng ta có thể nhận thấy nó vô cùng thời trang và tất cả những cái đấy là niềm cảm hứng mạnh mẽ để tôi có thể làm ra một khách sạn như một bức tranh nghệ thuật. Ngoài ra, trong các tranh dân gian có nhiều họa tiết mà khi chúng ta lấy ra có thể làm cho nó sống với văn hóa hiện đại thì cũng rất bắt trend. Chúng tôi cũng treo những bức tranh thật về tranh đông hồ ở toàn bộ các khu vực công cộng để cho mọi người có thể đến chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống hiện đại với những bức tranh của các nghệ nhân”.

Bộ sưu tập linh vật

Bộ sưu tập linh vật

Đặc biệt, trong khuôn khổ Triển lãm, du khách tham quan còn được tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua các buổi , gặp gỡ, giao lưu với các tác giả, nghệ nhân, nghệ sĩ… và tham gia các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu những kỹ thuật của các làng nghề truyền thống như: nghệ thuật thêu tay truyền thống, vẽ tranh trên lụa…Những hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Anh Senura Hansaja, đến từ Srilanka và một số bạn trẻ yêu nghệ thuật cho biết: “Có thể thấy các tác phẩm ở đây được làm thủ công, đường nét tinh xảo, các nghệ sĩ rất tài năng và khéo léo. Những tác phẩm xung quanh đây có rất nhiều màu sắc, các thiết kế mang hình dáng rất độc đáo và thú vị, mang đến nhiều ấn tượng”.

Bạn Thúy Nga, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Bản thân em cảm thấy bộ sưu tập linh vật của buổi triển lãm khá sáng tạo, mang hơi thở của truyền thống, từ chất liệu kiểu dáng đến ý nghĩa và được ứng dụng trong đời sống hiện đại. Em thấy khá thú vị và em ấn tượng với cả bộ sưu tập rắn của Khởi Minh, Bộ sưu tập Minh Tân. Rắn có thể mang rất nhiều ý nghĩa nhưng để đúc kết lại nó có những câu chuyện nào, ra sao, thể hiện như thế nào thì em thấy ở đây có các mẫu khá đa dạng, khá đẹp. Những việc mà ứng dụng giá trị văn hóa đấy vào trong đời sống hiện đại thì các bạn đang khá là thích và tìm hiểu khá nhiều”.

Các nghệ sĩ tham gia triển lãm cũng cho rằng, hiện nay ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ quay trở lại với chất liệu văn hóa truyền thống, coi đây là kho tàng cho sáng tạo nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực từ quần áo thời trang, giày dép, mũ túi cho đến những ứng dụng trong các tác phẩm về gốm sứ. Chất liệu văn hóa truyền thống sẽ không bao giờ cũ hoặc lỗi thời nếu người nghệ sĩ biết ứng dụng và kết nối giá trị ấy trong các tác phẩm đương đại.

Thủy Tiên/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ton-cuu-nghenh-tan-khi-chat-lieu-dan-gian-ung-dung-trong-doi-song-hien-dai-post1138119.vov
Zalo