Tinh hoa của gốm Việt trong 'Dáng xuân 2025 - Bắc Nam hội tụ'
Triển lãm 'Dáng xuân 2025 - Bắc Nam hội tụ' đang diễn ra tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật (số 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu hút số đông du khách cùng các nghệ sĩ và công chúng thủ đô tới tham quan, khám phá nét đẹp của gốm Việt.
Với gần 200 tác phẩm gốm nghệ thuật đến từ gần 50 nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và 11 nghệ sĩ từ Câu lạc bộ Gốm Mỹ thuật Sài Gòn, triển lãm mang đến một không gian đầy sáng tạo và phong phú, thể hiện sự giao thoa tuyệt vời giữa các yếu tố văn hóa, kỹ thuật và tư duy nghệ thuật của hai miền Bắc-Nam.
Triển lãm trưng bày đa dạng các thể loại tác phẩm, từ điêu khắc gốm, tranh gốm đến gốm ứng dụng. Mỗi tác phẩm đều mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ, qua đó thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và khát khao cống hiến của họ cho nghệ thuật gốm Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (phải) bên tác phẩm chị dành nhiều tâm huyết. Ảnh: Mai Lữ
Hầu hết các tác phẩm đều kế thừa tinh hoa gốm truyền thống, nhưng vẫn toát lên hơi thở của đời sống đương đại, từ đó phản ánh sự phát triển không ngừng của ngành gốm Việt. Đồng thời, đây cũng là kết quả 5 năm phát triển không ngừng của Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ từ khắp nơi đã trao đổi, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác.
Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật, cho biết: "Trong suốt 5 năm qua, các tác phẩm gốm của các nghệ sĩ trong câu lạc bộ ngày càng phong phú về hình thức, chất liệu và kỹ thuật. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng sự sáng tạo không ngừng, từ việc thử nghiệm các màu men mới cho đến việc thể hiện những ý tưởng nghệ thuật táo bạo. Đặc biệt, các nghệ sĩ vừa chú trọng vẻ đẹp hình thức vừa khai thác chiều sâu nội dung, mang đến những thông điệp mạnh mẽ về cuộc sống, con người và văn hóa".
Bày tỏ cảm xúc khi tiếp tục góp mặt tại triển lãm năm nay, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Hà Nội) không giấu được niềm xúc động, tự hào. Với nữ họa sĩ, đây là một dịp đặc biệt, một cơ hội quý báu để các nghệ sĩ, người làm nghề có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
"Tham gia triển lãm không chỉ đơn giản là giới thiệu tác phẩm cá nhân, mà còn là cơ hội để gắn kết, học hỏi từ các thế hệ nghệ sĩ đi trước và các đồng nghiệp mới để thế hệ trẻ trưởng thành hơn, cảm xúc, tư duy, kỹ thuật gốm cũng dần được cải thiện, đổi mới", họa sĩ Thu Trang nhấn mạnh.
Thưởng thức triển lãm, khách tham quan có thể dễ dàng nhận thấy sự biến chuyển mạnh mẽ trong phong cách sáng tác của các nghệ sĩ gốm. Các tác phẩm từ điêu khắc đến tranh gốm đều thể hiện sự tinh tế trong từng chi tiết, đồng thời thể hiện sự phá cách, linh hoạt trong cách thể hiện hình ảnh và hình khối. Mỗi tác phẩm gốm không còn đơn thuần là sản phẩm của quá trình lao động thủ công mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại, đầy sức sống và cảm xúc.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Thư ký Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật phấn khởi cho biết, một trong những điểm đặc biệt của triển lãm lần này chính là sự đa dạng về phong cách và chủ đề của các tác phẩm.

Các tác phẩm rất đa dạng về chất liệu, hình thức. Ảnh: Mai Lữ
Từ những bức tượng căng tràn sức sống cho đến những mảng tranh gốm sắc màu rực rỡ, tất cả đều mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ. Có những tác phẩm được tạo hình một cách tỉ mỉ, chi tiết, thể hiện sự chính xác và kiên nhẫn của người nghệ sĩ, trong khi đó cũng có những tác phẩm mang phong cách phóng khoáng, ngẫu hứng, thể hiện sự tự do sáng tạo, như một cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và cuộc sống.
Điều này giúp cho triển lãm mở ra một không gian trưng bày nghệ thuật với những cuộc gặp gỡ, trao đổi và học hỏi giữa các nghệ sĩ. Chính sự khác biệt về phong cách và phương pháp sáng tác này đã tạo ra một không khí giao lưu rất thú vị, nơi mà mỗi tác phẩm gốm đều là một câu chuyện, một thông điệp riêng biệt, nhưng tất cả lại hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng và sống động về nghệ thuật gốm Việt Nam.
Trong số các tác phẩm tham gia triển lãm, nhiều tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, từ những họa tiết dân gian truyền thống cho đến những hình thức sáng tạo mới mẻ, thể hiện sự hòa nhập của gốm nghệ thuật trong bối cảnh hiện đại.
Triển lãm Gốm "Dáng xuân 2025 - Bắc Nam hội tụ" là dịp để nhìn nhận lại những thành tựu của nghệ thuật gốm Việt Nam trong suốt thời gian qua cùng hy vọng rằng trong năm mới Ất Tỵ, nghệ thuật gốm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có thêm nhiều sáng tạo và hoạt động nghệ thuật thú vị, sôi nổi.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 22/2 tại số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.