Tinh gọn bộ máy và cuộc 'lột xác' về tư duy quản trị
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay không đơn thuần sắp xếp lại về tổ chức, mà là cuộc 'lột xác' về tư duy quản trị quốc gia.
Khởi đầu kỷ nguyên quản trị hiện đại
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã hoàn thành giai đoạn một, đang tiến hành giai đoạn hai. Khối lượng công việc rất lớn, phức tạp nhưng được tiến hành trong một thời gian rất ngắn. Ông nhìn nhận câu chuyện này ra sao?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.
Đây thực sự là dấu mốc mang tính lịch sử. Chỉ trong thời gian ngắn, một khối lượng công việc lớn được triển khai thần tốc: Sáp nhập các ban Đảng, bộ ngành; tinh gọn bộ máy công an bằng việc bỏ cấp huyện - một cấp trung gian từng tồn tại hàng chục năm.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, khi tổ chức chính quyền địa phương gọn, hiệu quả sẽ là đầu mối kích hoạt mọi nguồn lực phát triển, phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hệ thống điều hành sẽ có khả năng "bắt sóng" nhanh hơn với các xu thế toàn cầu, từ đó đưa ra những chính sách sát thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, thu hút đầu tư tốt hơn và tạo môi trường sống - làm việc - sáng tạo hấp dẫn hơn.
Khi tổ chức đã thông suốt, mỗi cán bộ đã được đặt đúng chỗ, nguồn lực được tập trung đúng trọng tâm, lúc đó có thể nói tới những bước nhảy vọt, đột phá mà trước đây tưởng như còn xa vời.
Những gì diễn ra không đơn thuần sắp xếp lại về tổ chức, mà là một cuộc "lột xác" về tư duy quản trị quốc gia.
Điều khiến chúng ta khâm phục nhất không chỉ tốc độ, mà còn là sự đồng thuận, quyết tâm và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Đảng lãnh đạo kiên quyết và dứt khoát. Quốc hội đồng hành với trách nhiệm và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ, với tinh thần hành động, đã triển khai các chính sách một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương, trật tự.
Thần tốc nhưng không nóng vội. Căn cơ nhưng không cứng nhắc. Đó là điểm đặc biệt trong giai đoạn vừa qua.
Từ nghị quyết đến hành động, từ chủ trương đến tổ chức thực hiện, tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, làm thước đo cho hiệu quả của mọi cải cách.
Đây không chỉ là tinh gọn bộ máy, đây là tinh gọn để bứt phá, sắp xếp lại để tiến lên và là khởi đầu cho một kỷ nguyên quản trị hiện đại, năng động, gần dân, sát thực tiễn hơn bao giờ hết.
Sắp xếp lại "ngôi nhà công vụ"
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả bước đầu sau tinh gọn bộ máy?
Hiệu quả bước đầu đã thể hiện rất rõ ràng và sâu sắc trên cả ba bình diện: Bộ máy vận hành, chi phí xã hội và niềm tin nhân dân.
Thứ nhất, bộ máy đã trở nên gọn hơn, nhưng hiệu lực lại mạnh hơn. Việc sáp nhập các ban Đảng, tổ chức lại các bộ ngành và đặc biệt là bỏ cấp công an huyện - một tầng nấc trung gian - đã giúp dòng chảy chỉ đạo được rút ngắn.
Những mệnh lệnh từ Trung ương đi xuống, từ Chính phủ tới cấp cơ sở, nay không còn phải "qua nhiều cầu, nhiều trạm". Cơ chế phản hồi, giám sát cũng trở nên trực tiếp và linh hoạt hơn, giảm đáng kể tình trạng chồng chéo, trùng lặp hay "cha chung không ai khóc".
Hệ thống giờ đây vận hành giống như một cơ thể khỏe mạnh, không bị nặng nề vì những khối cơ quan "thừa cân".
Thứ hai, việc cắt giảm hàng loạt đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế có lộ trình, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ không chỉ giúp ngân sách giảm áp lực về chi thường xuyên, mà còn mở ra nguồn lực để tái đầu tư cho các lĩnh vực cốt lõi như y tế, giáo dục, hạ tầng, an sinh xã hội.
Nói cách khác, tinh gọn bộ máy không chỉ là sắp xếp lại "ngôi nhà công vụ", mà là tái phân bổ tài nguyên quốc gia theo hướng công bằng và hợp lý hơn.
Thứ ba, và quan trọng nhất, niềm tin của nhân dân đã được củng cố. Từ đó, người dân mới sẵn sàng đồng hành, góp sức vào những cải cách tiếp theo. Bởi không có cải cách nào thành công nếu thiếu đi sự ủng hộ từ nhân dân. Niềm tin chính là thước đo quan trọng nhất của mọi chủ trương chính sách.
Tất nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu. Nhưng tôi tin, với nền tảng đã được đặt vững vàng, hiệu ứng lan tỏa của cuộc cải cách này sẽ ngày càng rõ nét, tạo đà cho những thay đổi sâu rộng hơn về sau.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.
Thành công không đến từ may mắn, ngẫu hứng
Chúng ta đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian rất ngắn. Điều đó minh chứng, việc gì khó đến đâu, nếu đủ quyết tâm, quyết liệt đều có thể thực hiện được, quan điểm của ông thế nào?
Đúng vậy, nhìn từ những việc đã làm thời gian qua, chúng ta có thể rút ra một bài học quý báu: Không có việc gì là không thể nếu có đủ quyết tâm chính trị, sự đồng lòng trong hệ thống và sự tin tưởng từ nhân dân.
Thành công của giai đoạn đầu cuộc cải cách bộ máy không đến từ may mắn hay ngẫu hứng.
Vậy điều gì làm nên thành công đó, thưa ông?
Kinh nghiệm rút ra đầu tiên là phải dám nghĩ lớn và hành động quyết liệt. Nếu không có tinh thần dám làm, dám thay đổi tận gốc những gì đã cũ kỹ, trì trệ, chúng ta sẽ vẫn mãi quanh quẩn trong những chỉnh sửa nhỏ lẻ, không thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của tư duy nhiệm kỳ hay sợ trách nhiệm.
Thứ hai là lấy hiệu quả thực tiễn làm chuẩn mực thay vì chỉ dựa vào hình thức hay tiền lệ. Điều này chỉ thành công khi người đứng đầu các cơ quan, địa phương thực sự nhập cuộc với tinh thần đổi mới, không co cụm, không trì hoãn.
Điều thứ ba vô cùng quan trọng, chính là phải đặt niềm tin vào nhân dân. Mọi chủ trương dù lớn đến đâu, nếu có sự ủng hộ của người dân đều có thể đi đến đích. Chính tinh thần đồng hành, chia sẻ và ủng hộ của nhân dân là "ngọn gió sau lưng" giúp cho con thuyền cải cách vượt qua sóng gió.
Và thứ tư, bài học lớn nhất là mọi cuộc cải cách - dù gian nan - đều khả thi, nếu chúng ta giữ được khát vọng, hành động có tổ chức và không chùn bước trước thử thách.
"Việc dân không chờ, việc nước không đợi"
Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhắc đến sự đoàn kết, phối hợp rất tốt giữa Chính phủ, Quốc hội, làm việc không kể ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để ra được sản phẩm. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã chạm đến một điều rất sâu sắc. Đó là khi lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên hàng đầu, thì không còn ranh giới giữa "quyền anh, quyền tôi", không còn khoảng cách giữa Quốc hội - Chính phủ - các cơ quan chức năng, mà tất cả hòa thành một khối thống nhất, chung một ý chí hành động.

Việc sáp nhập tỉnh, thành không đơn thuần là giảm sự cồng kềnh của bộ máy mà sẽ mở ra không gian phát triển lớn hơn cho các địa phương (ảnh minh họa).
Nhìn lại thời gian qua, chúng ta thấy rõ một bầu không khí làm việc đầy nhiệt huyết, kỷ luật và cống hiến.
Từ trước Tết đến sau Tết, từ những buổi họp xuyên ngày, đến cả những ngày nghỉ cuối tuần, không khí đó không phải là biểu hiện nhất thời, mà là kết quả của sự chuyển động lớn về tư duy và phương pháp làm việc trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh các đoàn công tác của Quốc hội, Chính phủ đến làm việc trực tiếp tại các địa phương, các đơn vị để lắng nghe, ghi nhận và điều chỉnh chính sách ngay từ khâu xây dựng.
Sự phối hợp ấy không chỉ ở cấp lãnh đạo, mà còn lan tỏa đến từng vụ, cục, từng chuyên viên kỹ thuật. Mọi người đều hiểu rằng: chậm một ngày là lỡ một cơ hội phát triển, là đánh mất niềm tin của nhân dân.
Chính tinh thần làm việc ấy đã giúp những quyết sách lớn được hình thành nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, hợp lý và khả thi.
Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một bộ máy thống nhất, không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", mỗi nơi một cách làm.
Khi mọi cấp, mọi ngành cùng hành động trên một tinh thần "việc dân thì không chờ, việc nước thì không đợi", cả guồng máy quốc gia mới thực sự chuyển mình.
Cũng từ đây, một bài học rất lớn được rút ra: Sự phối hợp hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ không đến từ quy chế, mà đến từ tinh thần phục vụ, từ khát vọng chung về một Việt Nam hùng cường.
Khi tinh thần ấy được lan tỏa, khi sự đồng thuận được đặt lên trên mọi khác biệt, bất kỳ quyết sách lớn nào cũng sẽ được triển khai một cách thần tốc và hiệu quả. Đó chính là "nghệ thuật quản trị" mang đậm bản sắc của thời đại mới - thời đại của hành động, kỷ cương và vì nhân dân.
Từ "cánh tay nối dài" thành "đầu tàu đổi mới"
Ông có niềm tin và kỳ vọng thế nào về bộ máy và hệ thống tổ chức chính quyền địa phương sau tinh gọn?
Đó không chỉ là một cỗ máy hành chính gọn nhẹ hơn, mà thực sự sẽ trở thành bệ phóng mạnh mẽ, linh hoạt và hiệu quả để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển bứt phá - cả về kinh tế, xã hội lẫn chất lượng quản trị.
Trước hết, tinh gọn bộ máy là tiền đề để nâng cao chất lượng điều hành và quản lý ở cấp cơ sở, nơi tiếp xúc trực tiếp với đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Khi giảm bớt trung gian, rút gọn đầu mối, loại bỏ sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng, ban, thì chính quyền địa phương sẽ trở nên "thông minh" hơn: Quyết định nhanh hơn, hành động linh hoạt hơn và phục vụ người dân tốt hơn.
Thứ hai, sự tinh gọn đi kèm với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khiến mỗi người giữ vai trò công vụ không còn là công chức hành chính thuần túy mà trở thành những nhà quản lý phát triển địa phương thực thụ.
Khi biên chế tinh giảm, nguồn lực phân bổ lại, mỗi cán bộ đều phải nâng cao bản lĩnh, năng lực, kỹ năng để gánh vác khối lượng công việc lớn hơn, trách nhiệm cao hơn. Điều này sẽ tạo ra một lớp công chức tinh hoa, đủ tâm - tầm - tài, sẵn sàng dẫn dắt địa phương mình đổi mới.
Tôi tin rằng, với nền móng thể chế đang được làm mới từng ngày, chính quyền địa phương từ chỗ là "cánh tay nối dài" của Trung ương sẽ trở thành những "đầu tàu đổi mới", nơi khởi phát những sáng kiến táo bạo, đột phá.
Cảm ơn ông!
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh:
Hiệu quả có thể đo đếm được
Tới đây, chúng ta tiếp tục thực hiện giai đoạn hai cuộc cách mạng tổ chức bộ máy để sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã, bỏ cấp huyện. Theo tôi, quyết tâm chính trị sẽ là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Để thực hiện cuộc cách mạng đó, không thể thiếu sự đồng thuận rất cao trong Đảng, Nhà nước, toàn xã hội.
Cá nhân tôi nhận thấy việc tinh gọn bộ máy thời điểm này đã chín muồi, hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Điều đó tạo nên khí thế mạnh mẽ, nhất tâm và hành động quyết liệt, chỉ trong một thời gian ngắn có thể làm được việc tưởng chừng không thể.
Chủ trương tinh gọn bộ máy đã được đưa ra từ lâu nhưng trước đây khắp nơi kêu khó, vướng và đổ lỗi cho thể chế. Nhưng rõ ràng nay vẫn thể chế đó, chúng ta đã làm được. Đơn cử Luật Công an nhân dân dù chưa sửa đổi nhưng chúng ta đã thực hiện xong việc bỏ công an cấp huyện.
Cuộc cách mạng này thực hiện được cũng là nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu. Bởi khi thực hiện tinh gọn bộ máy, động chạm tới quyền lợi của một số bộ phận, bao giờ cũng sẽ có phản ứng ngược. Nhưng trong cuộc tinh gọn lần này, mọi việc được thực hiện thông suốt.
Chỉ thời gian ngắn sau sắp xếp giai đoạn một, đã thấy rõ hiệu quả cụ thể, đong đo đếm được. Thành công lớn nhất là mọi hoạt động của đời sống, xã hội vẫn diễn ra bình thường, không bị gián đoạn.
Có thể kể đến một minh chứng rất thời sự, đem lại niềm vui cho toàn dân đó là việc Bộ Chính trị đồng ý giao Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện ngay việc miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập kể từ năm học 2025 - 2026 trở đi.
Mới đây, trong cuộc gặp mặt các đồng chí lão thành cách mạng, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra thông điệp nghiên cứu phấn đấu để đến năm 2030 có thể miễn viện phí toàn dân.
Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, vốn là lĩnh vực tôi quan tâm nhất, vẫn được đảm bảo, thậm chí còn sôi động hơn trước đây.
Như vậy, sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền mà còn tạo ra những lợi ích thiết thực cho xã hội.
Khi bộ máy được tinh gọn, lựa chọn tốt nhân sự và hoàn thiện về thể chế, thiết kế cơ chế vận hành hệ thống mới để bảo đảm cho bộ máy thông suốt, trách nhiệm rõ ràng, không có lý do gì đất nước chúng ta không phát triển.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Ấn tượng về sự thần tốc
Có thể ví cuộc tinh gọn bộ máy đang được thực hiện hiện nay "thần tốc" như chính tinh thần của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Theo dõi cuộc cách mạng này, tôi ấn tượng với chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: "Nhiều ngày liên tục, anh em trong Bộ cặm cụi 2 - 3h sáng vẫn chong đèn làm việc để kịp hoàn thành nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao. Có những ngày "mất ăn, mất ngủ", những cuộc họp "cân não" kéo dài nhiều giờ, căng thẳng trước khối lượng công việc lớn và rất khó, lại động chạm đến nhiều người".
Nhân dân đều cảm nhận được sự nỗ lực rất lớn của các cấp trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trong thời gian rất ngắn. Để thực hiện được cuộc cách mạng này, không thể không kể đến những cán bộ còn nhiều thời gian làm việc nhưng sẵn sàng lui về để các đồng chí trẻ hơn phát triển.
Song, điều tôi cùng nhiều người mong mỏi đó là cuộc cách mạng này không chỉ thần tốc, nhanh, mạnh, mà còn phải thật vững chắc, giải quyết tốt chế độ cho những công chức, cán bộ dôi dư hoặc nghỉ hưu sớm. Bước đầu, khi giải quyết công việc ở phường, tôi đã nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt. Mọi việc được xử lý nhanh, không còn tình trạng đùn đẩy, nhũng nhiễu.
Để làm được điều đó, theo tôi, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã khơi dậy được tinh thần sẵn sàng có sẵn trong mỗi cán bộ, phá tan sức ì để mỗi cá nhân nỗ lực vươn lên mạnh mẽ.
Trần Trang (ghi)