Tinh gọn bộ máy là cấp bách, không thể trì hoãn, được nhân dân rất ủng hộ
Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một 'cuộc cách mạng' quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…
1. Trung tá Dương Hồng Sông, cán bộ hưu trí (ngụ đường Nguyễn Thị Đặng, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh), nguyên giảng viên Học viện Phòng không Không quân, đánh giá rất cao việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước. Ông cho rằng đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và là cuộc cách mạng để tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với tinh giản biên chế, góp phần tăng nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển và các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Bởi thực tế hiện nay 70% ngân sách đang chi cho bộ máy hành chính, trong khi chỉ 20-30% còn lại dành cho đầu tư sản xuất, khiến đất nước khó phát triển nhanh.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ đối với những chủ trương của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về những vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy, có thể coi đây là một “cuộc cách mạng” cần thực hiện càng nhanh càng tốt, đặc biệt là việc sáp nhập một số cơ quan, bộ, ngành có chức năng chồng chéo nhau. Đồng thời cần tinh giản loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém đúng như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm”, Trung tá Dương Hồng Sông chia sẻ.
2. Cùng ý kiến, Đại tá Trần Quang Công, hiện là cán bộ hưu trí, cư trú tại đường Trần Thị Hè, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh (nguyên Chủ nhiệm Khoa Học viện Lục quân) cho biết, qua theo dõi và đọc kỹ bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bản thân ông cũng như nhiều người dân trong khu phố nơi sinh sống đều rất hoan nghênh, ủng hộ. Phải nói rằng đây là một cuộc cách mạng, bởi vì sự thay đổi sẽ động chạm đến các tổ chức, đến lợi ích của nhiều tập thể, cá nhân… Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rất rõ là phải làm ngay, không chờ đợi, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này với tinh thần “Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo” và phải làm khẩn trương, không có chuyện trên chờ đợi dưới, dưới chờ đợi trên…
“Việc sắp xếp bộ máy nhà nước như chủ trương vừa đưa ra có thể nói là rất mạnh mẽ. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất hợp lý và hợp lòng dân. Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị đồng tâm nhất trí thực hiện, mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, cho nhân dân...”, Đại tá Trần Quang Công nhận định.
Theo Đại tá Trần Quang Công, việc sắp xếp, tinh giản bộ máy sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: Tiết kiệm ngân sách nhà nước, vì hiện nay bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước, khi các cơ quan, bộ, ngành không còn chồng chéo, trùng lắp. Điều này sẽ tạo điều kiện để có nguồn kinh phí đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội một cách thiết thực, hiệu quả hơn…
“Bản thân chúng tôi là cán bộ về hưu nhưng nhận thấy chuyện phải sắp xếp, sáp nhập một số bộ, ngành là hoàn toàn hợp lý, là việc phải làm, vì có những bộ mà chức năng, nhiệm vụ chồng chéo nhau, dễ gây ra các điểm nghẽn… như Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng hay Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư… Việc sáp nhập các bộ, ngành này sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách và tránh cho bộ máy nhà nước cồng kềnh. Đặc biệt, qua đó sẽ thực hiện được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý nhà nước…”, Đại tá Trần Quang Công nhấn mạnh.
Theo các cán bộ hưu trí thì ngoài những việc kể trên, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta thực sự vững mạnh, được nhân dân hết lòng ủng hộ.
3. Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân (Bộ Công an) đánh giá tinh gọn bộ máy được đưa ra là một trong những chủ trương rất quan trọng, có tính chiến lược, xuyên suốt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị, là nội dung có tính then chốt hướng đến việc đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.
Để thực hiện căn cơ, bài bản, toàn diện chủ trương này, ngay từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Đảng đã ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đến Đại hội XIII, nội dung này được tiếp tục xác định rõ trong Văn kiện gắn với việc thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, việc tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được nhấn mạnh như là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Gần đây nhất, tại Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức vào sáng 1/12, Tổng Bí thư Tô Lâm xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu bức bách, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, phải thẳng thắn nhìn nhận là bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hiện nay cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ ở một số bộ, ban, ngành đã và đang trong tình trạng trùng dẫm, chồng chéo, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả, vô hình trung là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia.
Thực tế đó, đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, hiệu quả hoạt động của các bộ, ban, ngành tổ chức, đoàn thể cũng như để lại dư luận bức xúc trong nhân dân.
Đây là công việc có tính chất phức tạp, đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề, để thực hiện thắng lợi đòi hỏi phải có sự thấu suốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tinh gọn bộ máy, đồng thời phải có quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương, quyết tâm đó phải được lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể mà còn phải đến với các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân.
4. Đại tá, PGS.TS. Văn Đức Giao, Trưởng khoa Khoa An ninh Nội địa, Trường Đại học An ninh Nhân dân (Bộ Công an), cho biết: “Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết. Đây là chủ trương, một bước đi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống chính trị minh bạch, tinh gọn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chủ trương này cũng là “điểm tựa” quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.