Tinh gọn bộ máy hành chính gắn với chuyển đổi số
Tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu tất yếu trong quá trình cải cách mà còn là chiến lược quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên địa bàn thành phố Huế, chủ trương này đang được thực hiện một cách đồng bộ, gắn chặt với tiến trình chuyển đổi số, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững.
Không chỉ đơn thuần "thay áo mới"
Thành phố Huế trở thành thàn phố trực thuộc Trung ương, bộ máy hành chính không chỉ đơn thuần là “thay áo mới” về quy mô mà còn phải đổi mới về chất. Yêu cầu đặt ra là xây dựng một hệ thống hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những năm qua, thành phố Huế đã tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã, phường có quy mô nhỏ, đồng thời sáp nhập các phòng, ban chuyên môn có chức năng tương đồng. Điều này không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí ngân sách mà còn tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện Sở Nội vụ cho biết, hiện sở đã hoàn thiện đề án sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, dự kiến số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ giảm từ 20 xuống còn 14, tương ứng mức giảm 30%. Ở cấp huyện, số lượng phòng, ban sẽ giảm từ 101 xuống còn 83, đạt tỷ lệ giảm 17,82%. Các đơn vị sự nghiệp và chi cục trực thuộc cũng được tái cơ cấu tương ứng. Tổng thể, phương án này đặt mục tiêu giảm gần 12% số lượng đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý hành chính.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, việc tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ dừng lại ở tinh giản biên chế mà còn tập trung vào phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực thực thi. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo các cấp chính quyền hoạt động hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân và doanh nghiệp.
Quá trình này đòi hỏi sự đánh giá toàn diện về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt tại những đơn vị hành chính chịu tác động từ việc sáp nhập, hợp nhất. Việc bố trí, sắp xếp nhân sự được thực hiện trên cơ sở năng lực, sở trường, uy tín và kinh nghiệm của từng cá nhân. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu được chú trọng để đảm bảo tổ chức mới vận hành hiệu quả. Những cán bộ có năng lực nổi bật, trách nhiệm cao sẽ được ưu tiên bố trí vào các vị trí phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Song song, thành phố cũng đẩy mạnh chính sách thu hút người tài vào khu vực công. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, vừa tinh gọn, vừa đảm bảo đủ năng lực để đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới.
Xây dựng chính quyền số
Tinh gọn bộ máy hành chính không thể tách rời khỏi chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chuyển đổi số không chỉ là công cụ mà còn là điều kiện cần thiết để thực hiện tinh gọn bộ máy một cách hiệu quả. “Nếu không làm tốt chuyển đổi số, rất khó tinh giản bộ máy tạo động lực mới cho sự phát triển”, ông Bình nhấn mạnh.
Thành phố Huế hiện đang tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu số, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như hộ tịch, đất đai và dân cư, để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc số hóa và tích hợp hệ thống không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố được yêu cầu rà soát lại toàn bộ chương trình và kế hoạch chuyển đổi số, đồng thời tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây được coi là bước đột phá nhằm xây dựng chính quyền số và thúc đẩy các giải pháp cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, thành phố Huế cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số và công nghiệp công nghệ thông tin. Thành phố đã và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, thành phố đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ thông tin và các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Điều này không chỉ giúp Huế tận dụng tối đa lợi thế của đô thị trực thuộc Trung ương mà còn tạo tiền đề vững chắc để trở thành trung tâm phát triển kinh tế số.
Việc tinh gọn bộ máy hành chính gắn với chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tối ưu hóa nguồn lực mà còn là động lực quan trọng để thành phố Huế phát triển bền vững. Khi bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, nguồn lực được phân bổ hợp lý, minh bạch và linh hoạt, tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các lợi thế, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, dịch vụ và công nghệ cao.