Tinh gọn bộ máy chính trị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Chiều 13-2, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Sản xuất ô tô tại nhà máy Ford (Hải Dương). Ảnh: Hoàng Linh

Sản xuất ô tô tại nhà máy Ford (Hải Dương). Ảnh: Hoàng Linh

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những tác động tiềm tàng từ nỗ lực tinh gọn bộ máy nhà nước tới môi trường kinh doanh, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy là hoạt động thường xuyên của các quốc gia và phù hợp với bối cảnh, tình hình và các chức năng, nhiệm vụ mới. Chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đã được Việt Nam đề ra từ cuối năm 2017, và đã được chuẩn bị kỹ, có kế hoạch triển khai với lộ trình được nghiên cứu phù hợp".

Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy sẽ không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

"Đồng thời với quá trình cơ cấu lại bộ máy, Việt Nam tiếp tục có những quy định về đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh và sản xuất lâu dài tại Việt Nam” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trả lời đề nghị bình luận về dự án đường sắt tốc độ cao kết nối Việt Nam với Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao là góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tăng cường kết nối các nền kinh tế, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông đường bộ - đường sắt, kết nối logistic là đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại mới. Các tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối giữa Việt Nam với Trung Quốc sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động giao lưu đi lại của người dân, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch không chỉ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc mà còn trong khu vực”.

Trả lời câu hỏi về công tác ứng phó của Việt Nam trước dịch cúm lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Trước tình hình gia tăng các ca mắc bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang chủ động theo dõi tình hình bệnh cúm và các dịch bệnh khác trong mùa đông - xuân để có các biện pháp phản ứng nhanh khi có các chủng cúm đột biến và các dịch bệnh khác có thể gây nguy hiểm. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng giám sát các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng, và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng các ca bệnh. Việt Nam cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, an ninh và an toàn cho người dân”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chia sẻ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Linh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chia sẻ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Linh

Thông tin thêm về chính sách miễn thị thực của Việt Nam đối với công dân Thụy Sỹ, Ba Lan và CH Séc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận: Đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11 về việc miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh đối với công dân Thụy Sĩ, Ba Lan và CH Séc vào Việt Nam du lịch và không phân biệt loại hộ chiếu trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

"Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2025 đến hết 31-12-2025. Quyết định này trong khuôn khổ chương trình kích cầu tăng trưởng du lịch trong năm 2025. Trong các buổi hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam trong thời gian thăm chính thức CH Séc, Ba Lan và thăm làm việc tại Thụy Sĩ, lãnh đạo và các giới ở ba nước này đều đánh giá rất cao quyết định này của Việt Nam" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.

Cùng với đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tái khẳng định chủ trương của Việt Nam là tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngành du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội đất nước nói chung.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tinh-gon-bo-may-chinh-tri-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-dau-tu-lau-dai-tai-viet-nam-693187.html
Zalo