Long An chấn chỉnh việc khai thác đất mặt ruộng trái phép sau mùa gặt

Tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép ở Long An đang diễn ra ồ ạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường.

Mỗi mùa vụ qua đi, tình trạng đua nhau “xẻ thịt” đất mặt ruộng đem bán, bất chấp quy định pháp luật lại diễn ra, bất chấp cảnh báo từ ngành chức năng.

 Khai thác đất mặt ruộng trái phép rất nhiều trên địa bàn tỉnh Long An khi thu hoạch lúa xong.

Khai thác đất mặt ruộng trái phép rất nhiều trên địa bàn tỉnh Long An khi thu hoạch lúa xong.

Những xe tải, xe ba gác nối đuôi nhau, cuốn theo từng lớp đất màu quý giá vốn là “máu thịt” của ruộng đồng đổ về các nơi tiêu thụ. Trên danh nghĩa là cải tạo đất, nhưng thực chất là hành vi hủy hoại tài nguyên nông nghiệp.

Khai thác công khai, vận chuyển rầm rộ

Từ sau Tết Nguyên đán 2025, tình trạng khai thác đất mặt ruộng đã trở thành một “vấn nạn” nổi cộm ở nhiều huyện như Cần Đước, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và cả TP Tân An.

 Khai thác đất mặt ruộng rầm rộ trên địa bàn xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An.

Khai thác đất mặt ruộng rầm rộ trên địa bàn xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An.

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 22-4, tại tuyến đường Bùi Tấn thuộc địa phận xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An rất nhiều xe tải, xe ba gác chở đất ruộng ra vào liên tục.

 Xe tải, xe ba gác chở đất từ đường nông thôn di chuyển ra đường tỉnh 833.

Xe tải, xe ba gác chở đất từ đường nông thôn di chuyển ra đường tỉnh 833.

 Xe ba gác chở đất đem tiêu thụ trên đường tỉnh 833 không che đậy gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Ảnh: HD

Xe ba gác chở đất đem tiêu thụ trên đường tỉnh 833 không che đậy gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Ảnh: HD

 Xe tải chở đất đem bán cặp theo đường Đỗ Trình Thoại, xã Hướng Thọ Phú.

Xe tải chở đất đem bán cặp theo đường Đỗ Trình Thoại, xã Hướng Thọ Phú.

Chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi ghi nhận trên 10 lượt xe tải, xe ba gác chở đất chạy về hướng 833 rồi đem bán ở đường Đỗ Trình Thoại (Xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An) và khắp nơi trên địa bàn TP Tân An.

 Các thửa ruộng ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước bị đào xới, xe múc vẫn còn nằm chưa đem đi nơi khác.

Các thửa ruộng ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước bị đào xới, xe múc vẫn còn nằm chưa đem đi nơi khác.

Còn tại xã Long Sơn (Cần Đước), từ cuối tháng 3, máy cày hoạt động liên tục chở đất đi tiêu thụ như một “dây chuyền” không ngừng nghỉ. Các thửa ruộng bị đào xới, xe múc vẫn còn nằm chưa đem đi nơi khác khi đã khai thác xong.

 Việc khai thác đất mặt ruộng được núp sâu trong rừng tràm ở xã Thuận Bình.

Việc khai thác đất mặt ruộng được núp sâu trong rừng tràm ở xã Thuận Bình.

 Đất ruộng sau khi khai thác được máy cày chở đem chất đồng bên bờ kênh, chờ ghe đến vận chuyển.

Đất ruộng sau khi khai thác được máy cày chở đem chất đồng bên bờ kênh, chờ ghe đến vận chuyển.

Không dừng lại ở đó, một thửa ruộng nằm sâu trong rừng tràm ở xã Thuận Bình (Thạnh Hóa) gần 1 ha đã bị đào xới. Đất được chất đống bên bờ kênh, chờ ghe đến vận chuyển. Đáng nói, ở huyện Mộc Hóa, hoạt động này còn diễn ra tinh vi hơn khai thác ban đêm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

 Việc khai thác đất mặt ruộng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa chỉ diễn ra khi đêm xuống.

Việc khai thác đất mặt ruộng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa chỉ diễn ra khi đêm xuống.

Theo người dân, mức giá hiện nay cho mỗi xe ba gác đất mặt dao động từ 350.000 – 450.000 đồng, còn xe tải từ 600.000 – 900.000 đồng. Người bán dựa theo diện tích, trong khi người mua chọn tùy theo mục đích như san lấp mặt bằng hay trồng cây kiểng.

Một số hộ dân thừa nhận việc bán đất mang lại nguồn thu nhập tức thì sau vụ mùa, đồng thời giúp hạ thấp mặt ruộng để giữ nước, hạn chế cỏ dại. Tuy nhiên, cái lợi trước mắt ấy đang phải đánh đổi bằng một hậu quả lâu dài: tài nguyên đất nông nghiệp bị bào mòn từng ngày.

Xử lý chưa đủ sức răn đe?

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, lớp đất mặt của đất trồng lúa là tài nguyên quý hiếm, chỉ được sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Mọi hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán đất mặt không phép đều là vi phạm pháp luật.

Theo ông Trừ Minh Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, UBND chỉ đạo tăng cường kiểm soát việc khai thác mặt đất ruộng trên địa bàn, thời gian qua UBND huyện đã xử phạt 17 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ngày càng diễn biến tinh vi hơn.

 Việc khai thác mặt đất ruộng thường xuyên bị xử lý nhưng vẫn còn vi phạm.

Việc khai thác mặt đất ruộng thường xuyên bị xử lý nhưng vẫn còn vi phạm.

Tại xã Tân Lập (Mộc Hóa), các đối tượng thường khai thác vào ban đêm, lợi dụng địa hình xa dân cư để tránh bị phát hiện. Mới đây, một vụ việc tương tự bị phát hiện đã bị xử phạt 5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khôi phục lại hiện trạng.

UBND các huyện như Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Cần Đước, TP Tân An đều đã chỉ đạo các phường xã, thị trấn tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm. Các chủ tịch xã, thị trấn được yêu cầu chịu trách nhiệm nếu để tình trạng kéo dài, không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Tuy vậy, một thực tế không thể phủ nhận là dù đã có chế tài xử phạt, nhưng mức phạt chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc khai thác và bán đất mặt ruộng lại khá hấp dẫn.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Luật Trồng trọt và Luật Đất đai, việc khai thác tầng đất mặt không có phép không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn bị xem là hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình. Đây là hành vi có thể bị xử phạt hành chính và buộc khôi phục nguyên trạng.

 Việc khai thác mặt đất ruộng thời gian tới cần có sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm.

Việc khai thác mặt đất ruộng thời gian tới cần có sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm.

Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An nhấn mạnh: “Những người tự ý hạ thấp mặt ruộng, đào đất chuyển đi nơi khác mà không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đều vi phạm pháp luật. Hành vi này không thể lấy lý do cải tạo đất để biện minh.”

Từ năm 2015, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này. Những trường hợp thật sự cần cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân phải có văn bản trình lên UBND cấp huyện để xem xét, cấp chủ trương thực hiện.

Sắp tới, UBND các huyện được yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ tỉnh, kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm. Việc chấn chỉnh không chỉ là bảo vệ tài nguyên đất đai mà còn là gìn giữ sinh kế lâu dài của người nông dân.

Huỳnh Du

Nguồn PLO: https://plo.vn/long-an-chan-chinh-viec-khai-thac-dat-mat-ruong-trai-phep-sau-mua-gat-post846478.html
Zalo