Tinh giản bộ máy: Xu hướng tại Việt Nam và thế giới

Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang quyết tâm đẩy mạnh tinh giản bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm ngân sách.

Xu hướng không thể khác

Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang quyết tâm đẩy mạnh tinh giản bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm ngân sách. Việc thu hẹp quy mô hành chính không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn tăng cường tính linh hoạt, hiệu suất làm việc của chính phủ.

Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer đã đề xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế một số công việc hành chính, nhằm tiết kiệm hàng chục tỷ bảng mỗi năm. Nhật Bản cũng đang xem xét cải cách thị trường lao động, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng và sa thải nhân sự, qua đó thúc đẩy sự dịch chuyển lao động vào các ngành tăng trưởng. Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất mạnh tay cắt giảm biên chế trong chính phủ nhằm cải thiện hiệu suất làm việc. Mặc dù các biện pháp này vấp phải sự phản đối từ các công đoàn lao động và một bộ phận dư luận do lo ngại về tình trạng thất nghiệp gia tăng, xu hướng tinh giản bộ máy vẫn đang trở thành một yêu cầu tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số và tự động hóa phát triển mạnh mẽ, giúp chính phủ vận hành hiệu quả hơn với nguồn lực tối ưu.

Tại Việt Nam, quyết tâm tinh giản bộ máy cũng được thể hiện qua các chính sách cắt giảm biên chế, sắp xếp lại các cơ quan hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số. Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2026 tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách, đồng thời ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc. Tuy nhiên, việc tinh giản bộ máy cần được thực hiện có lộ trình để tránh tác động tiêu cực đến việc làm và đời sống của người lao động.

Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang quyết tâm đẩy mạnh tinh giản bộ máy nhà nước. Ảnh minh họa

Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang quyết tâm đẩy mạnh tinh giản bộ máy nhà nước. Ảnh minh họa

Các quốc gia đẩy mạnh tinh giản bộ máy hành chính

Tại Anh, cách mạng kỹ thuật số là một phần trong kế hoạch tinh gọn bộ máy và tái cấu trúc nhà nước. Kế hoạch này được kỳ vọng giúp chính phủ tiết kiệm hàng tỷ bảng Anh.

Theo Thủ tướng Anh Keir Starmer, hơn 45 tỷ bảng Anh có thể được tiết kiệm nhờ ứng dụng kỹ thuật số nhiều hơn trong bộ máy chính phủ.

Ông Mike Clancy - Tổng thư ký công đoàn Prospect - cho rằng: “Chính phủ cần tận dụng tốt hơn các chuyên gia tài năng mà họ đã có, nhiều người trong số họ đang làm việc tại các cơ quan quản lý và tổ chức nhà nước vốn đã bị cắt giảm ngân sách trong những năm gần đây”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Keir Starmer cam kết giảm bớt các quy định và cắt giảm một số cơ quan chính phủ, nhằm giải quyết “bộ máy quan liêu cồng kềnh đang làm chậm tiến độ phục vụ người lao động”. Chính phủ sẽ đặt mục tiêu mới là giảm chi phí quy định xuống 25%.

Chúng ta cần hành động khẩn trương hơn bao giờ hết. Mọi khoản chi tiêu, mọi quy định, mọi quyết định đều phải mang lại lợi ích cho người lao động... Nếu chúng ta đẩy nhanh quá trình số hóa các dịch vụ chính phủ, có thể tiết kiệm tới 45 tỷ bảng Anh và cải thiện năng suất đáng kể”, Thủ tướng nói.

Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Starmer được cho là có kế hoạch thu hẹp bộ máy hành chính, với việc cắt giảm hơn 10.000 công chức. Bộ trưởng Văn phòng Nội các, ông Pat McFadden, gần đây cho biết, chính phủ sẵn sàng áp dụng các yêu cầu quản lý hiệu suất nghiêm ngặt hơn để loại bỏ những quan chức làm việc kém hiệu quả và nhấn mạnh hơn vào chế độ lương dựa trên hiệu suất.

Một hãng truyền thông hàng đầu của Anh tiết lộ rằng, Văn phòng Thủ tướng và Bộ Tài chính đang đặc biệt quan tâm đến các đề xuất của Labour Together - một tổ chức tư vấn có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ - nhằm tái cấu trúc nhà nước.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã có nỗ lực cải cách thị trường lao động nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng và sa thải nhân viên hơn. Một số quan chức kêu gọi nới lỏng các quy định lao động cứng nhắc của Nhật Bản.

Những quy định này đã tồn tại hàng thập kỷ, gắn liền với văn hóa doanh nghiệp “salaryman” của Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hệ thống lao động cứng nhắc này bị cho là cản trở việc dịch chuyển lao động từ các ngành công nghiệp suy thoái sang các lĩnh vực tăng trưởng, nơi đang có nhu cầu tuyển dụng cao giữa bối cảnh thị trường lao động eo hẹp.

“Cải cách thị trường lao động hiện nay đang bỏ qua vấn đề cốt lõi, đó là việc sửa đổi các quy định về sa thải”, cựu Thủ tướng Nhật, ông Junichiro Koizumi nói.

“Chiến lược tăng trưởng tối ưu là tạo ra một hệ thống khuyến khích sự dịch chuyển lao động sang các startup và doanh nghiệp nhỏ trong các ngành đang phát triển”, ông nói.

Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy tắc sa thải từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị tại Nhật Bản, khi nhiều đề xuất trước đó đều bị trì hoãn hoặc không đạt được tiến triển đáng kể.

Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từ lâu đã chỉ trích sự thiếu linh hoạt trong thị trường lao động Nhật Bản, cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới thấp và khoảng cách thu nhập lớn giữa lao động chính thức và không chính thức.

Trung bình, một nhân viên Nhật Bản làm việc tại cùng một công ty trong 12,3 năm, so với 4,1 năm tại Mỹ và 9,7 năm tại Đức. Theo một khảo sát của Gallup, chỉ 6% người lao động Nhật cảm thấy gắn kết với công việc của họ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 23%.

Mặc dù luật pháp Nhật Bản không có quy định rõ ràng về việc sa thải, nhưng các án lệ tư pháp đã thiết lập bốn tiêu chí nghiêm ngặt mà các công ty phải đáp ứng khi muốn sa thải nhân viên, khiến việc cắt giảm lao động trở nên vô cùng khó khăn.

Những người ủng hộ cải cách tin rằng, thời điểm hiện tại mang lại cơ hội thay đổi lớn hơn so với trước đây, khi Nhật Bản đang thoát khỏi nhiều năm giảm phát và các doanh nghiệp đã thực hiện mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ qua. Tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì dưới 3% trong thời gian dài.

Ông Takeshi Niinami, CEO của Tập đoàn Suntory và là một trong những người có tiếng nói hàng đầu của giới doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo thế hệ mới sẽ thảo luận cách thay đổi toàn bộ mô hình kinh tế hậu chiến mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều cấm kỵ nào”.

Càng thu nhỏ nhà nước, nền kinh tế sẽ càng thịnh vượng”, Bộ trưởng Bộ Giải thể và Cải tổ Nhà nước Argentina, ông Federico Sturzenegger, 59 tuổi, nói với một hãng truyền thông Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Argentina Javier Milei đã giảm một nửa số bộ xuống còn 8 bộ. Các bộ giáo dục, văn hóa, lao động, giới tính và đa dạng, cũng như phát triển xã hội đã bị giáng cấp. Số lượng nhân viên khu vực công đã giảm 10% (tương đương gần 40.000 việc làm) trong năm 2024.

Chính phủ cũng đang thực hiện lệnh đóng băng tuyển dụng và triển khai các bài kiểm tra “độ phù hợp” để đánh giá xem công chức có nên bị sa thải hay không.

Chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm bộ máy nhà nước này đã giúp Argentina đảo ngược tình trạng thâm hụt tài khóa sâu do nhiều năm chi tiêu quá mức, đồng thời kéo lạm phát ba chữ số đi xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, dù đã giảm từ mức đỉnh hơn 50% vào năm ngoái, và đất nước đang thoát khỏi suy thoái.

Argentina đang cố gắng thoát khỏi một cuộc suy thoái sâu – một trong vô số cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài hàng thập kỷ – với dự trữ cạn kiệt, kiểm soát tiền tệ gắt gao và gánh nặng nợ nần chồng chất.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện một chương trình cắt giảm nhân sự quy mô lớn trong chính phủ thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới thành lập, với sự dẫn dắt của tỷ phú Elon Musk.

Cụ thể, cuối tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các cơ quan liên bang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn.

Sáng kiến của DOGE hướng đến mục tiêu giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ liên bang. Các cơ quan liên bang sẽ phối hợp với đại diện DOGE để tối ưu hóa chi tiêu và sắp xếp lại cơ cấu chức năng.

Tại Việt Nam, quyết tâm tinh giản bộ máy cũng được thể hiện qua các chính sách cắt giảm biên chế, sắp xếp lại các cơ quan hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số. Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2026 tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách, đồng thời ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc.

Minh Hiền

Theo Reuters và The Guardian

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-gian-bo-may-xu-huong-tai-viet-nam-va-the-gioi-380789.html
Zalo