Tinh giản biên chế: Gần 73.250 người nghỉ hưu trước tuổi

Số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ giảm 1,42%, cách rất xa mục tiêu giảm 10% đã được BCH Trung ương đề ra.

Kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng nay, 19-8.

Theo đó, phát hiện đáng chú ý ở cuộc giám sát là khoảng cách rất khác nhau giữa các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương trong nhiệm vụ giảm số lượng biên chế và số lượng đơn vị sự nghiệp công lập. Nơi giảm được nhiều, nhưng có nơi rất ít. Thậm chí có bộ phận lại tăng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Ảnh: PHẠM THẮNG

12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương ngân sách

Theo con số cập nhật, giai đoạn 2015-2021, số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm gần 236.400 người, tương ứng giảm 11,67% so với đầu kỳ.

Trong đó, các bộ, ngành ở Trung ương giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm hơn 196.000, tương ứng 10,51%. Kết quả này là vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% BCH Trung ương yêu cầu tại Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ở nhiệm vụ này, các cơ quan sự nghiệp công lập ở Trung ương giảm biên chế nhiều nhất, trong đó có những cơ quan có tỷ lệ giảm rất cao như Bộ Tư pháp (giảm trên 53%); Bộ GTVT (gần 53%); Bộ TN&MT (gần 51%).

Ở địa phương, mức độ giảm là 10,51%, cũng đạt mục tiêu đề ra. Nhưng trong khi một số địa phương giảm biên chế được nhiều, như TP.HCM (giảm 15,2%), Trà Vinh (14,3%); Sóc Trăng (gần 12,4%), thì biên chế đơn vị sự nghiệp công lập ở một số tỉnh khác lại tăng, như Bình Dương (tăng 3,6%), Thanh Hóa (tăng 2,3%)…

Đoàn giám sát có đánh giá đáng chú ý là kết quả giảm số lượng biên chế hưởng lương ngân sách ở Trung ương mạnh hơn, dù số lượng đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương giảm ít hơn so với địa phương.

Chuyển sang giai đoạn tiếp theo, 2021-2023, theo báo cáo giám sát, số biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách ở các bộ, ngành trung ương được thẩm định năm 2021 là gần 119.500 biên chế, đến thẩm định 2022 giảm 11.021 biên chế, tức giảm 9,2%. Trong đó có những Bộ giảm rất mạnh, như Công Thương giảm gần 29%, GTVT giảm hơn 34,4%, Ngoại giao giảm hơn 70%...

Kết quả này là rất khả quan, bởi việc thẩm định hàng năm chỉ đưa ra yêu cầu giảm bình quân ít nhất 2%. Qua đó cho thấy hiệu quả tích cực từ chủ trương đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đã.

Dù vậy, ở địa phương, việc giảm biên chế ở hai năm tiếp theo này tiếp tục rất chậm. Thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, mức giảm trung bình ở địa phương chỉ đạt 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% đã được đề ra.

Số biên chế sự nghiệp của địa phương giai đoạn 2022-2026 được Ban Tổ chức Trung ương giao là trên 1,5 triệu. Trong đó, biên chế giáo viên bổ sung năm học 2022-2023 là 27.580 biên chế, năm học 2023-2024 gần 28.000 biên chế.

Thôi việc ngay gần 16.200 người

Theo báo cáo giám sát, tính đến 31-12-2023, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo quy định là gần 89.600 người, trong đó ở Trung ương tinh giản trên 5.900, chiếm 6,6% và địa phương là gần 83.660 người, chiếm 93,4%.

Phân loại theo chính sách thì gần 73.250 người được tinh giản dưới hình thức nghỉ hưu trước tuổi, chiếm gần 82%; thôi việc ngay gần 16.200 người, chiếm trên 18%; thôi việc sau khi đi học nghề 58 người, chiếm 0,06% và chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước 91 người, chiếm 0,1%.

Còn chia theo đối tượng được hưởng thì khoảng 54% do xếp loại chất lượng hàng năm; 20% do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ khoảng 16% và các trường hợp còn lại 10%.

Báo cáo giám sát cũng nhận định việc sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập được các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Đáng chú ý, có địa phương 3 trường 1 kế toán; cắt giảm tối đa chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ. Trên thực tế, có nhiều điểm trường không có bảo vệ, việc quản lý tài sản công gặp nhiều khó khăn.

Qua khảo sát, nhiều địa phương ủng hộ việc tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường. Tuy nhiên, có địa phương lại xác định việc tinh giản biên chế gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và y tế học đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư, phát sinh nhiều dịch bệnh .

Việc tổ chức rà soát, sắp xếp lại số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất được thực hiện thông qua việc điều chuyển, bố trí số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Theo báo cáo giám sát, số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định và giảm theo lộ trình đối với các đơn vị có sắp xếp hợp nhất, sáp nhập.

Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp đều được các nơi chú trọng thực hiện. Nhưng do số lượng lãnh đạo cấp phó dôi dư nhiều nên gặp khó khăn trong việc bố trí.

Theo số liệu của Chính phủ, tính đến thời điểm 31-12-2023, tổng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập là gần 47.600 đơn vị, giảm 846 đơn vị so với năm 2021 (đạt ở mức 1,75%).

Số lượng đơn vị sự nghiệp ở Trung ương đang giảm trung bình 5,12% và đang được đẩy mạnh hơn. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu giảm 10% cho cả giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết 19 đề ra.

Ngược lại, tốc độ giảm đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương đang chậm lại (mới đang giảm ở mức 1,67%). Đây là thách thức lớn, bởi phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập nằm ở địa phương.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tinh-gian-bien-che-gan-73250-nguoi-nghi-huu-truoc-tuoi-post805882.html
Zalo