Từ 1/7/2025, đóng BHXH tự nguyện, hưởng lương hưu thế nào?

Từ ngày 1/7/2025, người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

Bà Đinh Hải Huyền (Bắc Ninh) hỏi: Tôi năm nay 53 tuổi, đóng BHXH tự nguyện được 5 năm. Nếu tôi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến năm 60 tuổi thì có được nhận lương hưu theo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?

Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

Theo quy định tại Khoản 2 Điềm 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trường hợp của bà Huyền năm nay 53 tuổi có thời gian đóng BHXH là 5 năm nếu bà đóng BHXH tự nguyện liên tục đến khi 60 tuổi (năm 2031) thì khi đó có thời gian đóng BHXH là 12 năm chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí.

Do đó, bà Huyền nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng đến trọn đời và còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hưởng các chế độ liên quan của người hưởng lương hưu.

Về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1/7/2025, Điều 36 Luật BHXH năm 2024 quy định:

- Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

- Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng:

Hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng 1 lần, 12 tháng 1 lần;

Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất;

Một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 6 Luật BHXH năm 2024 quy định Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện; khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Người nào được quyền tham gia BHXH tự nguyện?

Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cùng với đó, khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng liệt kê cụ thể những đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện hiện nay bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng.

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố.

- Người lao động giúp việc gia đình.

- Người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng không hưởng tiền lương.

- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm.

- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng.

- Người tham gia khác.

Hải Hòa (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-1-7-2025-dong-bhxh-tu-nguyen-huong-luong-huu-the-nao-204240912081654455.htm
Zalo