Tỉnh Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế về thu hút đầu tư nước ngoài
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, năm 2024, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thông tin, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,48%. GRDP bình quân đầu người đạt 181 triệu đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 60 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD.
Trong năm, Bình Dương đã thu hút thêm hơn 2,2 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lũy kế đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh có hơn 4.400 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch,... với tổng vốn đăng ký hơn 42,4 tỷ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2024 là năm các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra sôi nổi, đa dạng, kết hợp tốt giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Song song với các hoạt động ngoại giao kinh tế, đón tiếp các đoàn khách quốc tế, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng được đẩy mạnh và diễn ra sôi nổi với các hoạt động.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Bình Dương ký kết Bản Ghi nhớ về thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị mới với thành phố Heldeberg (Cộng hòa Liên bang Đức) và Ký Ý định thư với tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 14 địa phương nước ngoài và là thành viên chính thức, đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, Bình Dương được ICF vinh danh đạt Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngay từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã thực hiện chủ trương "Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" và "Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài". Trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ luôn nhạy bén, chủ động nắm chắc thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn; không trông chờ, ỷ lại, từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, sức mạnh của nhân dân để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ thu hút đầu tư. Đây chính là nền tảng cơ bản, là động lực chủ yếu cho sự phát triển thời gian qua.
Hơn nữa, tỉnh Bình Dương xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nhiệm vụ của cả xã hội, phát triển hạ tầng là trọng tâm, là bước đột phá để thu hút đầu tư phát triển. Mặt khác, Bình Dương đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông với hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và đô thị, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đảm bảo tính phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, kết nối thuận lợi với hạ tầng kỹ thuật của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hiện nay, để tiếp tục tạo ra những động lực mới trong thu hút đầu tư, Bình Dương đã có chủ trương để triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Đây được xem là "chìa khóa" để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn một cách căn cơ và bền vững, làm nền tảng để phát triển vùng đổi mới sáng tạo, vùng sản xuất thông minh Bình Dương trong tương lai. Thông qua việc thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe của ICF, Bình Dương đã lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được góp mặt trong danh sách các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới - Smart 21.
Ngoài ra, các chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh với các doanh nghiệp, đã giúp cho lực lượng lao động qua đào tạo nghề của Bình Dương tăng lên đáng kể; đồng thời, tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về làm việc và hợp tác, những chuyên gia này cùng với đội ngũ chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, mà chính bản thân họ sẽ là những "ngọn hải đăng" giúp Bình Dương trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.663 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,3% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%, đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.
Một trong những khu công nghiệp thế hệ mới là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3), thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, khu công nghiệp này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
Gần đây, Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng nhà máy chế tác trang sức cao cấp tại Bình Dương.
Trước đó, Tập đoàn Lego cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em.