Doanh nghiệp Việt định vị thương hiệu khi tiến sâu vào thị trường Bắc Mỹ

Thị trường Bắc Mỹ dự báo tiếp tục mang lại những cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tuy vậy, con đường tiếp cận thị trường Bắc Mỹ không hề bằng phẳng bởi việc xác định những rào cản khi tiến vào thị trường này đang là câu hỏi khó đối với doanh nghiệp Việt. Đây là thông tin được quan tâm tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ - Nhiều vấn đề khó lường” do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, ngày 19/12.

Theo thống kê, Bắc Mỹ là thị trường tiêu thụ khổng lồ, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua. Điển hình, hàng Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường Bắc Mỹ trong năm 2023 như Mỹ đạt kim ngạch hơn 97 tỷ USD, Canada và Mexico cũng đạt từ 5-6 tỷ USD...

Liên quan đến giải pháp chinh phục thị trường Bắc Mỹ, bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng Nghiên cứu sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ; cố vấn cao cấp Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ AIPLA (thuộc Hiệp hội Luật sở hữu trí tuệ Mỹ) chia sẻ, doanh nghiệp Việt có tâm lý muốn xuất ngoại, tiến vào những thị trường tiềm năng và trọng điểm của thương hiệu Việt, nhưng có không ít doanh nghiệp đã tìm đường trên dưới 20 năm nhưng chưa thành công.

Hiện nay, đối với thị trường Canada, quy định nhãn dán sản phẩm phải sử dụng song ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, nhất là thông tin dinh dưỡng, danh sách thành phần, cảnh báo về chất dị ứng (nếu có)... Do vậy, muốn thâm nhập vào thị trường Canada, doanh nghiệp phải chú trọng tận dụng hệ thống phân phối hàng hóa truyền thống với nhiều cấp của nước này.

Đồng thời, kênh thương mại điện tử cũng là một kênh chinh phục người tiêu dùng Canada, vì vị trí và dân cư phân tán nên đặt ra những thách thức trong phân phối, giao nhận hàng hóa.

Trong khi đó, thị trường Mỹ có biên lợi nhuận cao và thị trường lớn, dễ tiếp cận sản phẩm mới, nhưng cực kỳ cạnh tranh và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao. Cùng với đó, nước này có hệ thống luật pháp, thuế và nội dung hợp đồng phức tạp; còn kênh bán hàng trực tuyến phát triển rất mạnh và được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Thị hiếu thị trường Mỹ cũng không chia theo bang như trên bản đồ mà chia theo khu vực, nên không phải là con đường dễ dàng cho người thích đi tắt và không có công thức cho tất cả. Do đó, doanh nghiệp Việt nên có tư duy thực chiến, bắt đầu bằng vốn nhỏ, thử dò thị trường với ít sản phẩm trước nhưng phải chọn sản phẩm trọng tâm”, bà Nguyễn Ngọc Trâm cho biết thêm.

Dưới góc nhìn một số chuyên gia khác phân tích, đối với thị trường Bắc Mỹ thì tìm hiểu và nắm bắt về mạng lưới logistics là vấn đề quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cho một con đường xuất ngoại chuyên nghiệp. Doanh nghiệp Việt muốn xuất ngoại phải có tư duy chấp nhận thực tế để có chiến lược đúng đắn, nhất là sự khác biệt giữa thị trường nội địa và nước ngoài, hay mở rộng ra toàn cầu, bởi dù đã thành công ở thị trường nội địa thì bước vào thị trường mới cũng không khác gì doanh nghiệp khởi nghiệp.

Để khởi nghiệp thành công tại thị trường Bắc Mỹ nói riêng, thị trường nước ngoài nói riêng, doanh nghiệp Việt trước tiên định vị lại thương hiệu qua lăng kính kinh doanh thực chiến với cái nhìn chuyên sâu từ sự kết hợp của đội ngũ nội bộ, nghiên cứu thị trường và chuyên gia. Theo đó, xây dựng thương hiệu đảm bảo nhắm tới nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, không nên định vị khách hàng ở thị trường quốc tế là tất cả mọi người hay chung chung.

Đặc biệt, thị trường ngách là một cánh cửa giúp doanh nghiệp Việt muốn phát triển thương hiệu bước vào thị trường mới, nhất là ở một quốc gia có nền thương mại điện tử, nền tảng B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân quan internet), D2C (hình thức bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thông qua website, hoặc cửa hàng chính hãng) lớn như ở Mỹ và Canada.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt khi chinh phục những thị trường này không nên chạy quảng cáo theo diện rộng mà không có mục tiêu ưu tiên vì đó không khác gì là một cách “đốt tiền”.

Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp Việt phổ biến sẽ tìm các công ty tiếp thị và chi tiền để chạy truyền thông, quảng cáo thông tin sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội nhưng hiệu quả thu về không như kỳ vọng. Điều này minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt cần định vị thương hiệu ở thị trường mới và trên thị trường quốc tế nếu muốn xuất ngoại thành công.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-viet-dinh-vi-thuong-hieu-khi-tien-sau-vao-thi-truong-bac-my/357357.html
Zalo