Hút thuốc lá trong nữ sinh, nữ thanh niên: Vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc

Những năm gần đây, hiện tượng nữ sinh, nữ thanh niên hút thuốc lá đặc biệt là thuốc lá điện tử – đang ngày càng phổ biến tại nhiều nơi, trong đó có Bình Dương. Hành vi từng được xem là 'cá biệt' này đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ, nhất là trong các môi trường học đường và khu vực đô thị phát triển nhanh. Đây không đơn thuần là một hiện tượng xã hội nhỏ lẻ, mà còn phản ánh một vấn đề văn hóa, giáo dục và quản lý xã hội cần được nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp kịp thời.

Cảnh báo tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng

Về bản chất, hút thuốc lá không phải là hành vi mới trong xã hội, nhưng sự gia tăng của nhóm đối tượng nữ trẻ tuổi cho thấy một sự thay đổi trong nhận thức, lối sống và cách ứng xử của giới trẻ hiện đại. Tại Bình Dương – nơi có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, việc tiếp xúc sớm với các hình thức tiêu dùng hiện đại, trong đó có thuốc lá điện tử với hình thức bắt mắt, hương vị đa dạng và quảng bá dưới dạng “ít hại hơn thuốc lá truyền thống” – đã khiến nhiều nữ sinh, nữ thanh niên bị cuốn hút.

Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài “thời thượng” của thuốc lá điện tử là hàng loạt hệ lụy về sức khỏe và tâm lý. Không ít trường hợp đã được ghi nhận như nữ thanh niên có biểu hiện nghiện nặng, rối loạn tâm thần sau thời gian dài sử dụng. Các báo cáo của ngành y tế cũng cho thấy tỉ lệ học sinh, đặc biệt là nữ, từng thử hoặc đang sử dụng thuốc lá ngày càng tăng. Điều này cho thấy nguy cơ bùng phát thói quen tiêu cực đang âm thầm diễn ra trong bộ phận giới trẻ nữ – nhóm vốn được kỳ vọng là hình mẫu về sự chuẩn mực, tinh tế và biết giữ gìn hình ảnh.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này không chỉ đến từ bản thân các em, mà còn nằm ở những khoảng trống trong giáo dục gia đình và nhà trường. Nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, thiếu sự quan tâm sát sao, trong khi nhà trường đôi khi chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền chung chung, thiếu các chương trình can thiệp cụ thể, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý học sinh nữ. Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo thị trường thuốc lá điện tử, đặc biệt là hoạt động mua bán qua mạng, khiến các em dễ dàng tiếp cận mà không có rào cản đáng kể.

Không thể phủ nhận rằng một bộ phận giới trẻ hiện nay chịu nhiều áp lực: học hành, hình ảnh cá nhân, hội nhập xã hội... Hút thuốc đôi khi được các em xem như một cách “giải tỏa” hay “khẳng định bản thân”. Nhưng khi hành vi đó trở thành một trào lưu, nó không chỉ tổn hại đến sức khỏe cá nhân mà còn làm thay đổi các chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng.

Giải pháp cho vấn đề trên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn. Gia đình cần là “pháo đài đầu tiên” để ngăn chặn, giáo dục và định hướng. Nhà trường phải chủ động hơn trong việc nắm bắt tâm lý học sinh, tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo, gần gũi và thiết thực. Chính quyền địa phương và ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các điểm bán thuốc lá trái phép, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người trẻ.

Hành vi hút thuốc lá ở nữ sinh, nữ thanh niên hôm nay có thể là tín hiệu cảnh báo cho một sự biến đổi văn hóa âm thầm nhưng sâu sắc trong xã hội. Nếu không hành động kịp thời, hệ lụy trong tương lai sẽ không chỉ nằm ở con số thống kê bệnh tật, mà còn là sự ảnh hưởng trong nền tảng đạo đức và lối sống của thế hệ tương lai.

HẢI LÂM (Trường THPT An Mỹ)

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hut-thuoc-la-trong-nu-sinh-nu-thanh-nien-van-de-can-nhin-nhan-nghiem-tuc-a346499.html
Zalo