Tịnh Biên phát triển sản phẩm OCOP

Giai đoạn 2020 - 2025, UBND TX. Tịnh Biên đã tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo những sản phẩm 'sinh ra từ làng' đặc trưng của thị xã vùng biên.

Tích cực thực hiện

Theo UBND TX. Tịnh Biên, giai đoạn 2020 - 2025, địa phương đã khẩn trương thực hiện các nội dung, giải pháp nhằm đạt mục tiêu lũy kế có 100 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, có 50 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao. Hàng năm, UBND thị xã tiếp tục triển khai các kế hoạch cụ thể, phân công các ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường phối hợp thực hiện.

Bên cạnh, chỉ đạo ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể đầu tư, đổi mới, nâng cấp và phát triển sản phẩm, như: Xây dựng phương án kinh doanh và câu chuyện sản phẩm; tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, tạo lập thiết kế và in tem điện tử, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm…

UBND TX. Tịnh Biên tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh

UBND TX. Tịnh Biên tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh

Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình khuyến công, chương trình khoa học - công nghệ, chương trình phát triển làng nghề - ngành nghề nông thôn để hỗ trợ 13 chủ thể sản phẩm tiềm năng OCOP đổi mới trang thiết bị sản xuất, bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Trong công tác tuyên truyền, UBND TX. Tịnh Biên đã yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện, thông qua xây dựng câu chuyện truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa và nguyên tắc thực hiện chương trình OCOP trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Cổng thông tin điện tử thị xã, fanpage Chương trình OCOP Tịnh Biên…

Địa phương quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện: Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang; Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố tại TP. Châu Đốc; Hội chợ Công thương vùng ĐBSCL; Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan, ngày hội bánh dân gian… góp phần đưa sản phẩm OCOP Tịnh Biên đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Về các kênh tiêu thụ, sản phẩm OCOP Tịnh Biên đã xuất hiện ở các siêu thị lớn như Bách Hóa Xanh, Big C... Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương được khách hàng ưa chuộng, như: Đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM, vang thốt nốt, rượu thốt nốt, mật nhụy hoa thốt nốt… càng khẳng định sức hút của các sản phẩm kết tinh từ nắng gió xứ núi, qua bàn tay cần cù và sự sáng tạo của người dân Tịnh Biên.

Tiếp tục phát huy

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TX. Tịnh Biên cũng đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP tại địa phương. Cụ thể, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm tiềm năng trên địa bàn còn thụ động, chưa nhiệt tình tham gia; các chủ thể chưa nắm rõ các quy định, quy chế, các hướng dẫn về chuẩn hóa sản phẩm…

Trên cơ sở phân tích những thành tựu, khó khăn trong thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương, UBND TX. Tịnh Biên đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong đó, đẩy mạnh chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc trưng, ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn.

Sản phẩm OCOP Tịnh Biên ngày càng được khách hàng ưa chuộng

Sản phẩm OCOP Tịnh Biên ngày càng được khách hàng ưa chuộng

Đồng thời, hướng đến việc gắn kết Chương trình OCOP với phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh thương mại hóa và mở rộng thị trường, tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, đa dạng hóa kênh phân phối, xây dựng thương hiệu mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP Tịnh Biên trên thị trường. Nâng cao năng lực chủ thể OCOP, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ và tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành chương trình OCOP, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, đơn giản hóa thủ tục và tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP gắn với với việc tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đặc biệt, sẽ tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xác định các sản phẩm thuộc các nhóm ngành theo quy định, nhất là tiềm năng về nguyên liệu, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các chủ thể phát triển sản phẩm…

Giai đoạn 2020 - 2025, toàn thị xã có 35 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao, 28 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm đang trình UBND tỉnh đánh giá công nhận 4 sao. Dự kiến, ngành chuyên môn thị xã sẽ tổ chức đánh giá, công nhận 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, nâng số lượng sản phẩm OCOP lên 50 sản phẩm.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tinh-bien-phat-trien-san-pham-ocop-a421221.html
Zalo