Đề xuất giảm 2% VAT với toàn bộ hàng hóa, dịch vụ

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% áp dụng đồng loạt cho tất cả hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều đại biểu quốc hội đề xuất thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế VAT đến hết năm 2026 với tất cả các mặt hàng (Ảnh minh họa)

Nhiều đại biểu quốc hội đề xuất thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế VAT đến hết năm 2026 với tất cả các mặt hàng (Ảnh minh họa)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/5/2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ về một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hiện tại, theo dự thảo, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%) trong thời gian từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Tuy nhiên, một số lĩnh vực không thuộc diện giảm gồm: viễn thông, hoạt động tài chính - ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than), hàng hóa dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Việc giảm thuế này nhằm thể chế hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tăng trưởng dự kiến đạt từ 8% trở lên, đồng thời tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình cao với chủ trương giảm thuế, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn về việc loại trừ một số hàng hóa, dịch vụ dễ gây rối trong khâu thực hiện và ảnh hưởng tới tính đồng bộ của chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế VAT đến hết năm 2026 với tất cả các mặt hàng.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến động khó lường, đặc biệt là Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam cần tăng cường phát huy nội lực trong sản xuất kinh doanh; tăng cường tiêu dùng trong nước. Việc này cũng là góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ trên 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng lên đến hai con số.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động cũng như góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Tuy nhiên, đến nay, chúng ta chưa có sự đánh giá về việc giảm thuế giá trị gia tăng đến tiêu thụ hàng hóa như thế nào để có những đề xuất, kiến nghị tiếp theo cho việc thực hiện chính sách về thuế.

Ngoài ra, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, đồng thời đề nghị việc giảm thuế không nên chỉ áp dụng ở một số mặt hàng mà nên mở rộng trên tất cả hàng hóa.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM nhận định, khi triển khai Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ làm thất thu nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc giảm thuế cho thấy nguồn thu ngân sách vẫn tăng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên thì tổng mức bán buôn, bán lẻ và doanh thu tiêu dùng phải tăng trưởng. Do đó, việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng không nên chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng mặt hàng, thúc đẩy việc bán buôn, bán lẻ mà cần áp dụng cho tất cả các mặt hàng, trong đó có sản phẩm công nghệ, viễn thông...

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng không nên hỗ trợ dàn trải, mà nên chuyển hướng sang hỗ trợ "đúng, trúng”, nhằm gia tăng hiệu quả thực tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị: “Cần hỗ trợ đúng đối tượng, thay vì hỗ trợ đều, tôi đề nghị chuyển sang quan điểm hỗ trợ đúng. Thay vì trợ cấp đều nhau 2%, nên chuyển sang quan điểm: giảm sâu 4 - 5% nhưng áp dụng cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, ngành bị ảnh hưởng lớn như ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ, chế biến nông sản”.

Về phía Chính phủ, theo đánh giá tác động trong dự thảo Nghị quyết, trong 18 tháng giảm thuế VAT, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 121.740 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, đây là khoản đầu tư cần thiết để thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-xuat-giam-2-vat-voi-toan-bo-hang-hoa-dich-vu-727801.html
Zalo