Tình báo Quốc phòng Mỹ đánh giá khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân trong xung đột Ukraine
Trong báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu năm 2025, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết Liên bang Nga thường xuyên sử dụng ngôn từ liên quan đến hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine.

Chiến đấu cơ Su-35S của Liên bang Nga được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân R-37M. Ảnh: X
Trang tin thecipherbrief.com cho biết mới đây, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã trình bày báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu năm 2025 trước Tiểu ban Quân vụ Hạ viện về Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt.
DIA cho rằng: “(Tổng thống Liên bang Nga Vladimir) Putin gần như chắc chắn vẫn kiên định với mục tiêu giành chiến thắng tại Ukraine, và các mục tiêu của ông kể từ đầu cuộc chiến đến nay hầu như không thay đổi”.
Theo DIA, trong trường hợp không có thỏa thuận đàm phán hoặc viện trợ mạnh mẽ từ phương Tây, cục diện chiến trường có khả năng sẽ tiếp tục dần nghiêng về phía Liên bang Nga trong suốt năm 2025, mặc dù các bước tiến của Moskva (Moscow) đang chậm lại và đi kèm tổn thất lớn về nhân lực và trang bị.
DIA thống kê thiệt hại của Liên bang Nga trên chiến trường như sau: “Kể từ khi xung đột (Ukraine) bắt đầu, Liên bang Nga đã mất ít nhất 10.000 phương tiện tác chiến mặt đất, bao gồm hơn 3.000 xe tăng; gần 250 máy bay và trực thăng, cùng hơn 10 tàu hải quân. Liên bang Nga đã chịu hơn 700.000 thương vong trong chiến tranh… (bao gồm) hơn 170.000 lính tử trận thuộc lực lượng mặt đất”.
DIA cho biết việc “lạm dụng máy bay và phi công trong tác chiến, cùng với việc triển khai lực lượng kém hiệu quả, có thể sẽ gây áp lực lên hoạt động của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Liên bang Nga trong năm 2025, nhưng sẽ không làm gián đoạn tốc độ triển khai của lực lượng này trong cuộc xung đột. Các lực lượng này thể hiện mức độ thành thạo và năng lực khác nhau tại Ukraine, dẫn đến thiệt hại lớn về thiết bị và nhân sự kỳ cựu, song song với việc phát triển các chiến thuật mới như sử dụng bom lượn”.
Tuy vậy, theo DIA: “Mặc dù (Tổng thống) Putin và các lãnh đạo quân sự của ông có lẽ muốn đạt được những bước tiến nhanh hơn, nhưng Moskva dường như vẫn hài lòng với cái giá phải trả cho những bước tiến chậm chạp hiện tại, vì họ tính toán rằng có thể từ từ làm cạn kiệt nguồn lực và ý chí của Ukraine, đồng thời vượt qua sự hỗ trợ từ phương Tây”.
DIA dự báo: “Năng lực tác chiến thông thường của Liên bang Nga nhằm răn đe, chiến đấu hoặc cạnh tranh quân sự với NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ bị suy giảm ít nhất trong ba năm tới, do phần lớn các đơn vị chiến đấu của Liên bang Nga đều đang tham chiến tại Ukraine. Liên bang Nga phải đánh đổi giữa việc hiện đại hóa vũ khí và tái trang bị cho lực lượng ở Ukraine, và ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga đang ưu tiên sửa chữa, tái sử dụng trang thiết bị hiện có thay vì sản xuất vũ khí mới”.
DIA cho biết, trong năm 2025: “Chi tiêu quốc phòng và an ninh của Liên bang Nga dự kiến ít nhất đạt 150 tỷ USD – tăng 19% so với năm 2024 (đã điều chỉnh theo lạm phát) và chiếm khoảng 40% ngân sách liên bang”.
Kết quả là, “Liên bang Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong nền kinh tế nói chung, điều này – cùng với các lệnh trừng phạt – đang làm tăng chi phí cho ngành công nghiệp quốc phòng. Những chi phí này có thể sẽ cản trở nỗ lực hiện đại hóa dài hạn, đặc biệt là với các thiết bị tiên tiến”, DIA nhận định.
DIA cũng nhấn mạnh rằng cả Liên bang Nga, Mỹ và các nước NATO đều đang rút ra bài học chiến thuật mới từ cuộc chiến Ukraine.
Ví dụ, “Liên bang Nga đang sử dụng tác chiến điện tử (EW) trong cả tấn công và phòng thủ để làm gián đoạn hệ thống liên lạc và dẫn đường vũ khí của Ukraine. Liên bang Nga thiết kế năng lực EW của mình để đặc biệt chống lại công nghệ do phương Tây cung cấp. Ngoài ra, việc Liên bang Nga sử dụng UAV (thiết bị bay không người lái) trong chiến tranh đã gia tăng đáng kể do tính hiệu quả về chi phí – trong việc phát hiện di chuyển của đối phương, hỗ trợ pháo binh và thực hiện các cuộc tấn công tầm ngắn và dài”.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine, DIA cho biết “Liên bang Nga đang nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine bằng UAV tấn công một chiều và tên lửa tầm xa nhằm làm suy giảm ý chí chiến đấu của Ukraine,” và nói thêm rằng: “Chiến lược của Liên bang Nga có khả năng vẫn là tiêu hao – làm giảm năng lực và ý chí kháng cự của Ukraine cho đến năm 2025 – từ đó buộc Ukraine phải chấp nhận các điều kiện đàm phán có lợi cho Liên bang Nga”.
Xem video liên quan tới tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin về tập trận hạt nhân chiến thuật.
Về vũ khí hạt nhân, DIA nhận xét: “Liên bang Nga đang mở rộng lực lượng hạt nhân bằng cách bổ sung năng lực mới, bao gồm tên lửa không-đối-không hạt nhân và các hệ thống hạt nhân mới lạ. Liên bang Nga có thể đang duy trì khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai và lên tới 2.000 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. Liên bang Nga đang mở rộng hiện diện hạt nhân tại Belarus bằng việc triển khai máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân, tân trang kho chứa vũ khí hạt nhân, và huấn luyện lực lượng Belarus sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Tuy nhiên, DIA kết luận: “Mặc dù Liên bang Nga thường xuyên sử dụng ngôn từ liên quan đến hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine, khả năng Liên bang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là rất thấp, trừ khi lãnh đạo Liên bang Nga nhận định rằng chế độ của họ đang đối mặt với mối đe dọa tồn vong”.