Tình bạn tan vỡ vì trào lưu giữ 'chuỗi lửa' trên TikTok
'Chuỗi tình bạn' là cách gọi sáng tạo của người dùng Việt dành cho tính năng streak trên TikTok vừa được ra mắt vào mùa hè vừa qua. Tính năng này ghi nhận số ngày nhắn tin liên tiếp giữa hai tài khoản. Mỗi ngày tương tác sẽ duy trì một 'đốm lửa', và số lượng đốm lửa tăng lên tương ứng với số ngày liên tục.
Chuỗi bị mất, tình yêu, tình bạn cũng "lung lay"
Nhiều người trẻ coi việc giữ chuỗi là “thước đo”, "chiến tích" tình bạn hoặc tình yêu. Các câu đùa như “Lửa tắt, tình tan”, “Mất chuỗi là mất bạn” lan tràn trên mạng xã hội. Thậm chí, không ít Gen Z bày tỏ sự buồn bã hoặc tức giận khi chuỗi bị ngắt quãng. Để duy trì "chuỗi" càng lâu càng tốt, người dùng phải duy trì tương tác qua lại với nhau hàng ngày, đòi hỏi sử dụng nền tảng này với tần suất đều đặn.
Ngọc Minh (21 tuổi, TP.HCM) chia sẻ rằng việc giữ “chuỗi tình bạn” với bạn thân ban đầu là một trò chơi khá thú vị để gắn kết tình bạn, nhưng càng về sau, điều này trở thành một thói quen khá... áp lực. Minh và người bạn thân đã duy trì chuỗi liên tục suốt hơn 120 ngày, và đối với cả hai, con số đó như một “kỷ lục” không thể phá vỡ.
“Thực ra lúc mới bắt đầu, cả hai bọn mình đều chỉ nhắn tin chơi chơi để thử xem tính năng này có gì thú vị. Nhưng càng ngày, số lửa càng tăng, và tụi mình bắt đầu coi việc giữ chuỗi là điều ‘phải làm’. Nếu một hôm mình quên, bạn mình sẽ nhắc nhở ngay, còn nếu cả hai quên thì đều cảm thấy như ‘tội lỗi to lớn’,” Minh kể.
Mọi chuyện thay đổi khi Minh bị ngắt chuỗi vào một ngày bận rộn ôn thi. “Hôm đó mình học đến tận 2 giờ sáng nên không kịp nhắn tin. Sáng hôm sau, khi mở TikTok và thấy lửa tắt, mình buồn cả ngày. Bạn thân mình thì nhắn đùa là ‘tan tình bạn rồi nhé’, nhưng mình vẫn thấy hụt hẫng thực sự. Tụi mình đã giữ chuỗi lâu như vậy, giờ lại bắt đầu lại từ đầu, cảm giác vừa tiếc, vừa ngại,” cô bạn nhớ lại.
Ngọc Minh cũng thừa nhận rằng đôi khi việc giữ chuỗi khiến cô cảm thấy áp lực. “Có những ngày cả hai không có gì để nói, nhưng vẫn phải gửi một tin nhắn bất kỳ, kiểu như ‘hôm nay trời đẹp quá’ hay chỉ một biểu tượng cảm xúc, chỉ để duy trì chuỗi. Mình biết đây chỉ là một trò chơi, nhưng nếu không làm, lại cảm giác như thiếu trách nhiệm với mối quan hệ vậy,” cô nàng tâm sự.
Hải Nam (20 tuổi, Hà Nội) lại gặp tình huống oái oăm hơn khi mất chuỗi với người yêu. Cả hai đã duy trì chuỗi hơn 75 ngày liên tiếp, nhưng một lần Nam quên nhắn tin, chuỗi bị mất và khiến bạn gái anh giận suốt 3 ngày.
“Ban đầu mình không nghĩ việc này lại nghiêm trọng đến vậy. Nhưng khi cô ấy trách móc, mình mới hiểu rằng với bạn gái, chuỗi này không chỉ là số ngày, mà còn là cách thể hiện sự quan tâm. Mình đã phải xin lỗi rất nhiều, giải thích rằng hôm đó do bận đi làm thêm nên quên mất,” Nam kể.
Từ lần đó, Nam đặt hẳn thông báo nhắc nhở trên điện thoại để đảm bảo không bao giờ quên nhắn tin giữ chuỗi. Tuy nhiên, nam sinh thừa nhận đôi khi cảm thấy mệt mỏi vì tính năng này. “Có những ngày mình không muốn nói gì, chỉ muốn yên tĩnh một chút, nhưng vẫn phải gửi tin nhắn để giữ chuỗi. Lâu dần, mình cảm giác việc này không còn tự nhiên như trước nữa,” anh tâm sự.
Chỉ là con số, không quyết định giá trị mối quan hệ
Th.S Nguyễn Mai Lan, chuyên viên marketing tại Công ty Cổ phần One Mount Việt Nam nhận định rằng tính năng giữ "chuỗi" trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng hiện nay không chỉ tạo ra động lực duy trì thói quen mà còn thúc đẩy tâm lý cạnh tranh và so sánh của người sử dụng.
“Việc người dùng chia sẻ số ngày liên tục mà họ duy trì được trở thành một cách để khẳng định bản thân, vô tình gây áp lực cho người khác. Những con số này không chỉ là niềm tự hào của cá nhân mà vô hình chung kích thích sự ganh đua, khi người khác cảm thấy cần phải bắt kịp hoặc vượt qua để không bị ‘tụt hậu’” bà giải thích.
Chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc "giữ chuỗi" là một chiến lược “guilt marketing” (tiếp thị tội lỗi) để giữ chân người dùng của các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, Duolingo thay đổi biểu tượng ứng dụng dựa trên tần suất sử dụng:
“Khi bạn bỏ lỡ vài ngày học, biểu tượng con cú sẽ chuyển sang vẻ buồn bã hoặc thất vọng, như muốn nhắc nhở rằng bạn đã làm ‘sai’. Điều này có thể khiến người dùng cảm thấy tội lỗi, từ đó buộc họ quay lại ứng dụng, không phải vì đam mê học tập mà để giảm bớt cảm giác tiêu cực.”
Theo chuyên gia tâm lý/ khoa học thần kinh, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, việc xây dựng và duy trì chuỗi hành động liên tiếp có thể kích hoạt giải phóng dopamine trong não, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái cảm, động lực của con người.
“Theo các nghiên cứu tâm lý học, mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ trong chuỗi, người dùng sẽ nhận được phần thưởng về mặt cảm xúc thông qua việc dopamine được giải phóng. Điều này mang lại cảm giác hài lòng, kích thích động lực và tạo nền tảng cho việc hình thành thói quen lâu dài,” ông Nam Anh giải thích.
Dù vậy, chuyên gia cảnh báo các tính năng chuỗi có thể tác động tiêu cực đến những người có tâm lý dễ bị ảnh hưởng. “Khi tính năng chuỗi trở thành một phần trong định nghĩa bản thân, việc phá vỡ chuỗi khiến người dùng cảm thấy mình thất bại, không đủ cố gắng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng, lo âu.” ông nói.
Cả hai chuyên gia đều khuyến nghị người dùng cần tiếp cận tính năng chuỗi một cách có chừng mực. Chuyên gia Mai Lan nhấn mạnh: “Hãy nhớ rằng các con số chỉ là công cụ hỗ trợ theo dõi thói quen, không phải yếu tố quyết định giá trị bản thân hay chất lượng các mối quan hệ.”
Hãy nhớ rằng các con số chỉ là công cụ hỗ trợ theo dõi thói quen, không phải yếu tố quyết định giá trị bản thân hay chất lượng các mối quan hệ.
Trong khi đó, ông Nam Anh khuyên rằng: "Thay vì so sánh số ngày giữ chuỗi với người khác, hãy tập trung vào mục tiêu và niềm vui mà bạn muốn đạt được từ chính thói quen đó.”