Nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh
Thời tiết chuyển lạnh khiến lượng bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng. Bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Nguyên nhân số ca đột quỵ tăng khi trời lạnh
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2022, trong 17 năm, nguy cơ đột quỵ tăng đến 50%. Tính từ năm 1990 - 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên đến 70% và tử vong do đột quỵ tăng 43%.
Bệnh viện E vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 48 tuổi (ở Hà Nội) bị khởi phát cơn đột quỵ khi đang lái ô tô. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị nhồi máu não. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện cơn thiếu máu não thoáng qua như tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… Tuy nhiên, người bệnh nghĩ do say rượu nên nghỉ ngơi tại nhà.
BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát khoảng vài giờ hoặc 1 ngày, 1 tuần. Đột quỵ xảy ra đột ngột, người bệnh có triệu chứng nói khó, yếu tay - chân hoặc liệt nửa người, viêm phổi... thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cấp cứu đột quỵ trong “thời gian vàng” có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, hạn chế các biến chứng và phục hồi nhanh. Thời gian cấp cứu lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nhiều dẫn đến di chứng. “Giờ vàng” trong cấp cứu nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh), nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy, đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng 2 và tháng 4 - thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ những nước như Phần Lan, Australia, Mỹ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo, đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh.
Theo BS Đức, khi nhiệt độ giảm, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh.
Lưu ý khi phát hiện người đột quỵ
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, điều quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Mọi người cần lập tức gọi xe cứu thương. Xe cứu thương 115 sẽ đưa bệnh nhân đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu người đột quỵ chuẩn và nhanh nhất. Nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não. Khi gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng, nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não.
Một lưu ý khác là theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không. Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: Thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường...
Ngoài ra, cần khuyến khích người bệnh nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã, đừng cố di chuyển họ.
Chuyên gia lưu ý, một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp, xem bệnh nhân có còn thở không. Nếu không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi...
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa đông. Khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm - thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.