Tin vui với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo cơ quan soạn thảo dự án Luật Việc làm (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được sự đồng thuận đó là quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHTN, sửa đổi các chế độ BHTN.

Vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; BHTN; Quản lý nhà nước về việc làm.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Mở rộng đối tượng tham gia BHTN; Quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; Sửa đổi các chế độ BHTN.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung các quy định hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức TMĐT; quy định về sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo BHTN. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về BHTN, Quỹ BHTN và khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHTN đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật BHXH 2024.

Cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng theo hướng: người lao động đóng "tối đa" bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng "tối đa" bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham BHTN và do NSTƯ bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động (Điều 83). Bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ trước các "cú sốc" như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh (Điều 80).

Đánh giá kỹ lưỡng tác động của những sự điều chỉnh này, cơ quan soạn thảo cho rằng, về mặt kinh tế, người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người lao động làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương và tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ BHTN khi bị mất việc làm.

Tất cả người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề.

Về mặt xã hội, đối với Nhà nước, việc sửa đổi chính sách BHTN hướng đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, góp phần giảm thất nghiệp, ổn định, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Ba yếu tố khiến bão số 4 “nhỏ nhưng có võ”, ban bố rủi ro thiên tai cấp 3 tại các tỉnh miền Trung

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tin-vui-voi-nguoi-dang-huong-tro-cap-that-nghiep-169240920084519629.htm
Zalo