Năm vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ cần giải quyết
Trong bất kỳ cuộc bầu cử người đứng đầu nào, kể cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, bất kỳ ứng cử viên nào được tuyên bố là người chiến thắng đều phải thực hiện cam kết của mình để giải quyết 5 lĩnh vực ảnh hưởng đến phúc lợi và tương lai của nền kinh tế.
Được biết, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm nay đã đưa ra nhiều tuyên bố chính sách đầy tham vọng. Tuy đối đầu, song thậm chí các ứng cử viên còn nhất trí về một số vấn đề, có thể kể đến như tạo việc làm, chấm dứt lạm phát, bảo vệ các công ty trong nước, xóa bỏ thuế tiền tip và cải thiện khả năng chi trả cho nhà ở.
Bên cạnh đó, ứng cử viên Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump cũng lựa chọn cắt giảm thuế bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định…, trong khi bà Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ tập trung vào việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mở rộng tín dụng thuế…
Tuy nhiên, bất cứ ai trở thành Tổng thống Mỹ đều cần cụ thể hóa các chi tiết để thực hiện lời hứa của mình, tức cần triển khai các biện pháp nhằm giải quyết 5 vấn đề chính, gồm:
Đầu tiên, Tổng thống mới của nước Mỹ phải tìm cách duy trì tăng trưởng, cùng lúc tái định vị nền kinh tế để tận dụng các động lực thúc đẩy thịnh vượng của quốc gia trong tương lai.
Điều này bao gồm gỡ bỏ rào cản đối với các động cơ kinh tế hiện có, đơn cử như sản xuất và dịch vụ, bên cạnh đó cũng phải thúc đẩy các nguồn tăng trưởng trong tương lai bằng cách hỗ trợ phổ biến thông minh các sáng kiến trong trí tuệ nhân tạo, khoa học đời sống, năng lượng xanh, quốc phòng, chăm sóc sức khỏe và an ninh lương thực. Cả Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Chips đều cần được đánh giá để điều chỉnh lộ trình nhằm hoàn thành mục tiêu tái cấu trúc. Điều này cần đi kèm với các cách tiếp cận quản lý năng động hơn để thúc đẩy đổi mới và có cái nhìn sâu sắc hơn về rủi ro của sự cân bằng giữa mất việc làm và lợi ích của việc nâng cao kỹ năng.
Thứ hai, giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách cao và nợ tăng nhanh. Trước đây, khó có thể tưởng tượng Mỹ sẽ có gần 3 năm với tỷ lệ thất nghiệp khoảng hoặc dưới 4%, nhưng vẫn thâm hụt ngân sách từ 6% - 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trước bối cảnh này, chính phủ mới cần xây dựng tính linh hoạt cho tài chính công vốn thiếu khả năng phục hồi và sự nhanh nhẹn. Điều này đòi hỏi phải cải cách hệ thống thuế; hợp lý chi tiêu; giải phóng nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư và các khoản phòng ngừa.
Thứ ba, nếu trong hai ứng cử viên, ai là người trở thành Tổng thống Mỹ, họ đều cần chống lại việc sử dụng quá mức các công cụ kinh tế mà họ ủng hộ. Đối với bà Kamala Harris, điều này có nghĩa là tránh quản lý quá mức và tránh chính sách công nghiệp cứng nhắc. Trong khi đó, đối với ông Donald Trump, điều này có nghĩa là hạn chế sử dụng thuế quan và cắt giảm thuế.
Thứ tư, chính quyền mới cần khôi phục lại vị thế lãnh đạo đáng tin cậy của Mỹ ở trung tâm trật tự kinh tế và tài chính toàn cầu.
Điều này liên quan đến việc chống lại sự phân mảnh làm suy yếu tăng trưởng và an ninh quốc gia. Sự tham gia tích cực của Mỹ cũng cần thiết để phát triển phản ứng đối với các mối đe dọa chung…
Vấn đề cần giải quyết cuối cùng là giao tiếp hợp lý và đúng đắn.
Nhìn chung, việc đưa ra lời hứa trong quá trình vận động tranh cử không phải là điều mới mẻ hay bất ngờ. Điều quan trọng là ứng cử viên chiến thắng phải chuyển hướng từ lời hứa sang hành động quản lý kinh tế để Mỹ không mất đi sự đặc biệt về kinh tế và thế giới không mất đi động lực tăng trưởng chính của mình.
Theo kết quả sơ bộ ghi nhận vào đầu giờ chiều ngày 6/11 (theo giờ Việt Nam), sau khi giành chiến thắng ở nhiều tiểu bang chiến trường như Pennsylvania, Bắc Carolina và Georgia, đồng thời dẫn đầu ở 4 tiểu bang chiến trường còn lại, tổng số phiếu bầu từ đại cử tri mà ông Donald Trump giành được chạm mức 277 phiếu, vượt qua ứng cử viên Đảng Dân chủ là bà Kamala Harris để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Kết quả này đánh dấu sự trở lại con đường chính trị đáng kinh ngạc sau 4 năm ông rời Nhà Trắng.
Cùng với đó, Đảng Cộng hòa cũng giành được đa số ở Thượng viện Mỹ sau khi lật ngược thế cờ ở bang Tây Virginia và Ohio.
Dự kiến, vào ngày 17/12, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ có cuộc họp để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm Tổng thống tiếp theo của Mỹ.