Tin tức kinh tế ngày 29/9: Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024
Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024; Khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc; Hàn Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 29/9.
Giá vàng ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp
Giá vàng trong tuần (23/9-29/9) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, vàng tiếp tục giữ đà tăng giá. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm nhẹ nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/9, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/9.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/9.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/9.
Khai mạc Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc
Sáng 29/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn Công tác của Bộ Công Thương tham dự Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Việc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh là sáng kiến của liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt NamViệt Nam nhằm góp phần triển khai, hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa qua.
Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư
Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 115 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 979 triệu USD. Cùng với đó, điều chỉnh 65 dự án với tổng vốn tăng thêm là 246,1 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần vốn góp tại 90 dự án, với tổng vốn đăng ký 506,1 triệu USD. Tính chung những tháng đầu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 1,73 tỷ USD, đứng thứ 2 sau Singapore.
Lũy kế đến tháng 6/2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.369 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 76,098 tỷ USD, đứng thứ 3 trên tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Thời gian gần qua, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến không thể bỏ quan trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Hàn Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực và bạch tuộc đã thu về 406 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến hết tháng 8, riêng mực đạt 221 triệu USD, giảm 7% và bạch tuộc thu về hơn 185 triệu USD, tăng 3%. Trong đó, chỉ có thị trường Trung Quốc tăng 22% nhập khẩu mực Việt Nam, xuất khẩu sang các thị trường chính khác đều giảm.
Xét về thị trường, Hàn Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam với kim ngạch đạt 159 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 93 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 3 với 47 triệu USD, tăng 12% so với 8 tháng năm 2023.
Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024
Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đạt 6% và năm 2025 là 6,2%, trong đó điểm sáng là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Tính đến hết tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của tám tháng trong 5 năm qua. Đặc biệt, vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư. Đây được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam.
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo
Theo thông báo của Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ, kể từ ngày 27/9, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati và chuyển sang chính sách áp giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) 490 đô la Mỹ/tấn.
Lệnh cấm được triển khai hồi tháng 7/2023 nhằm kiểm soát giá cả lúa gạo trong nước trong bối cảnh thời tiết khô hạn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung gạo. Tuy nhiên, Ấn Độ đặt ra ngoại lệ để cung cấp gạo cho những nước có nhu cầu cấp bách về an ninh lương thực. Gần đây, nhiều nước bao gồm Anh, Mỹ, Nhật Bản kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm này.