Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần 'về đích'
Thu ngân sách gần 'về đích'; Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỷ USD; Giá cước vận tải biển biến động khó lường… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/11.
Giá vàng thế giới tiếp tục trượt dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 16/11 giao ngay ở mức 2.563,2 USD/ounce, giảm 3,7 USD/ounce so với ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 16/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 80 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại SJC được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,8 - 82,3 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với rạng sáng nay.
Giá vàng nhẫn tại DOJI niêm yết ở mức 81 - 82,7 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với rạng sáng nay.
Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại VITIC nhận định, trong các tháng cuối năm nay, xuất khẩu rau quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do và các Nghị định thư. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, xoài, mít, nhãn… vào vụ nghịch sẽ khiến nguồn cung thu hẹp. Vì vậy, dự báo xuất khẩu qua quả trong các tháng còn lại của năm có thể giảm đáng kể so với các tháng 8 và 9, nhất là ở mặt hàng sầu riêng.
Giá cước vận tải biển biến động khó lường
Giá cước vận tải biển quốc tế vẫn biến động khó lường, buộc các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược để thích ứng.
Giá cước container quốc tế trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục biến động, dù khả năng tăng mạnh là không cao. Tuy nhiên, giá cước vẫn có thể leo thang vào một số thời điểm nhất định, đặc biệt là trong các mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các dự báo đều cho rằng, công suất vận tải toàn cầu dự kiến tăng 8%, trong khi nhu cầu chỉ tăng 3%, tạo áp lực giảm đối với giá cước. Tuy nhiên, các yếu tố như xung đột khu vực Biển Đỏ, tình trạng tắc nghẽn kênh đào Panama hay các cuộc đình công tại cảng biển sẽ tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí vận chuyển. Những thay đổi này sẽ có tác động lớn đến thị trường trong thời gian tới.
Nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2024 với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố đã chỉ rõ Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế số.
Theo báo cáo, bất chấp thách thức toàn cầu, nền kinh tế Đông Nam Á vẫn trụ vững, với tăng trưởng GDP ổn định và lạm phát hạ nhiệt. Nền kinh tế số đóng vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng này, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến đạt 263 tỷ USD trong năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của GMV và lợi nhuận đạt lần lượt 15% và 24%. Trong đó, GMV của Việt Nam ước đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ CAGR là 16%, chủ yếu nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Thu ngân sách gần “về đích”
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán, tăng 17,3% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.377,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán, tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2023. Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán, giảm 6% so cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 227,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 342.000 tỷ đồng, bằng 91,2% dự toán, tăng 13,1% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 114,8 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán.
Riêng trong tháng 10, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 178,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán, tăng 8,8% so mức thu bình quân 9 tháng đầu năm 2024 (164 nghìn tỷ đồng/tháng).