Lục Ngạn: Tạo nhiều việc làm cho hội viên phụ nữ để giảm nghèo bền vững
Đẩy mạnh đào tạo, giới thiệu việc làm, thành lập các mô hình liên kết sản xuất là hướng đi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lựa chọn thực hiện nhằm hỗ trợ hội viên giảm nghèo bền vững.
Hội LHPN huyện Lục Ngạn có khoảng 1,3 nghìn hộ phụ nữ nghèo và 1,7 nghìn hộ phụ nữ cận nghèo, trong đó có 494 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Để giúp hội viên thoát nghèo, Hội LHPN huyện đã giao chỉ tiêu giúp hộ nghèo cụ thể ở các xã, thị trấn và chỉ đạo mỗi cơ sở hội đăng ký, giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo bền vững. Một trong những giải pháp được các cấp hội chú trọng thực hiện là tạo việc làm, giúp hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức ngày hội việc làm cho 350 hội viên phụ nữ các xã: Tân Sơn, Cấm Sơn, Phong Minh, Hộ Đáp, Phong Vân. Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 320 chị. Đồng thời giới thiệu 65 chị học nghề và làm mỳ tại thôn Thủ Dương (xã Nam Dương), 234 hội viên phụ nữ bóc long nhãn tại HTX Bằng Thủy và 335 chị làm việc tại các công ty, khu công nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương được Chi hội Phụ nữ thôn tạo điều kiện học làm mỳ và nhận vào HTX làm việc đầu năm 2024. Có công việc ổn định với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, chị Bình có thêm nguồn thu để chăm lo gia đình. Bên cạnh đó, chị còn được chị em trong chi hội tặng giống gia cầm để tăng gia sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị dần ổn định, các con chị có điều kiện học tập tốt hơn.
Đối với những trường hợp không có điều kiện theo học các lớp đào tạo nghề, làm việc xa nhà, các cấp hội lựa chọn hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật để hội viên phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Trong năm 2024, các cấp hội đã bảo lãnh cho 252 chị vay hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế và giúp 137 chị vay không lãi suất hơn 2 tỷ đồng từ nguồn quỹ hội và các mô hình tiết kiệm.
Bên cạnh đó, để có thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập, Hội LHPN huyện tích cực vận động hội viên đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng thành lập các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Dựa vào thực tiễn của địa phương với thế mạnh về cây ăn quả, Hội LHPN huyện, các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức 85 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây có múi (cam, bưởi), cây vải trong thời kỳ ra hoa... cho hơn 8,1 nghìn hội viên. Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện tổ chức 2 hội nghị quán triệt, triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” cho 220 cán bộ hội cấp huyện và cơ sở. Đồng thời hỗ trợ 33 phụ nữ khởi nghiệp vay vốn ngân hàng chính sách với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng để khởi nghiệp (mở cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa tươi, làm mỳ...).
Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, gương làm kinh tế giỏi, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Điển hình như mô hình “HTX Lục Ngạn Xanh” do hội viên phụ nữ Nguyễn Thị Minh Thùy làm giám đốc. HTX được thành lập năm 2021 với 8 thành viên. Hiện nay, HTX đã có 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số. Đây là mô hình sản xuất các nông sản, thực phẩm an toàn, tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động và hơn 20 lao động thời vụ. Nhiều hộ sau khi tham gia HTX được tập huấn kỹ thuật, con giống, cây trồng giúp năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên. Đời sống hội viên HTX ngày một khá hơn.
Nhờ lựa chọn đúng hướng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền các xã, thị trấn trong triển khai các giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ, năm 2024, các cấp hội phụ nữ huyện đã giúp 330 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Đồng chí Lý Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Để bảo đảm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đúng đối tượng, hiệu quả cao, hằng năm, Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành liên quan điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, phụ nữ. Phối hợp với các cơ quan chức năng dự báo thị trường việc làm, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương".Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2021-2025, thời gian tới, Hội LHPN huyện Lục Ngạn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về công tác giảm nghèo. Trong đó chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế tập thể, hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; chỉ đạo hội phụ nữ cấp cơ sở rà soát nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của chị em để có các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ hiện thực hóa được ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Từ đó giúp hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Anh