Tin tức Đời sống 26/12: 4 cách tắm đúng không lo đột tử

Cập nhật tin tức Đời sống ngày 26/12: 4 cách tắm đúng không lo đột tử; Lý do bạn nên ăn 2 bữa chân gà hầm một tuần...

4 cách tắm đúng không lo đột tử

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ vào cấp cứu do đột quỵ xảy ra thời điểm khuya, trời lạnh. Hai người này đều không có bệnh lý mạn tính, tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, các khoa, trung tâm cấp cứu đột quỵ đều ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ sau tắm nhưng cũng có trường hợp mới chỉ chuẩn bị tắm, chưa xối nước đã gặp nạn.

Theo bác sĩ Thắng, hiện nay chưa chứng minh được mối liên quan nhân - quả giữa chuyện đang tắm đêm và đột quỵ. Những hành động đó được xem là yếu tố thúc đẩy đột quỵ trên người có bệnh nền. Nhiều trường hợp không biết mình có bệnh do không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc tắm đêm không trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng là yếu tố xúc tác gián tiếp.

Tiến sĩ Bùi Long - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) cũng cho rằng tắm không đúng cách sẽ thúc đẩy tiến triển bệnh tim mạch ở người có nguy cơ. Các chuyên gia đều cảnh báo, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp xảy ra trong phòng tắm cao hơn bất kỳ nơi nào khác, đặc biệt vào mùa đông lạnh.

Vì vậy, bác sĩ Long khuyến cáo cộng đồng đặc biệt người tăng huyết áp, cao tuổi nên lưu ý:

1. Tiếp xúc với nước

Khi tắm, mọi người có thói quen xả vòi hoa sen ướt từ đầu tới chân nhưng điều này rất nguy hiểm. Nước xả trực tiếp vào đầu khiến máu lên não bị đẩy nhanh, nguy cơ ảnh hưởng tới mao mạch, động mạch, dễ gây tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim.

Cách tắm đúng nhất là cho nước tiếp xúc với vùng ngoại vi trước. Bạn nên làm ướt cơ thể từ chân trước và tắm từ dưới lên, gội đầu sau cùng.

2. Tần suất tắm

Mùa đông, bạn không nên tắm hằng ngày khi nhiệt độ xuống thấp. Việc tắm quá nhiều làm sức đề kháng da yếu đi tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dễ nhiễm trùng.

Tắm nhiều lần làm cơ thể nhiễm lạnh, mạch máu co lại, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bạn có thể tắm 2 ngày/lần. Người già có thể tắm 3-4 ngày/ngày. Tốt nhất nên tắm lúc 13-14h, khi nhiệt độ trong ngày cao nhất, không tắm vào sáng sớm và tối khuya, mỗi lần chỉ nên kéo dài 5-7 phút. Bạn không nên tắm quá lâu vì có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn máu do chênh lệch nhiệt độ.

3. Không nên tắm nước quá nóng hoặc lạnh

Tắm nước quá nóng kích thích hệ thần kinh gây giãn mạch dẫn tới tụt huyết áp. Mạch máu trên da giãn nở hết cỡ gây thiếu oxy khiến bạn chóng mặt hoặc ngất xỉu. Còn tắm nước quá lạnh gây chênh lệch nhiệt độ, co mạch có thể dẫn tới tắc mạch máu.

4. Nên tắm trong phòng kín gió

Phòng tắm cần kín gió, có thể thêm đèn sưởi. Tắm xong, bạn lau khô người mặc thật ấm trước khi ra ngoài, tránh chênh lệch nhiệt độ.

Lý do bạn nên ăn 2 bữa chân gà hầm một tuần

Lương Y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông Y Hà Nội cho biết, chân gà được nhiều người yêu thích vì có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Thành phần chân gà chủ yếu là sụn, xương, gân. Thực phẩm này không chỉ ngon miệng mà còn tốt cho sức khỏe.

Chân gà chứa nhiều protein, 70% ở dạng collagen, là thành phần tạo nên hình dạng, sức mạnh và độ đàn hồi cho cấu trúc da, gân, cơ, xương, dây chằng của cơ thể. Vì vậy, món ăn này rất tốt cho da, tăng độ đàn hồi, độ nhám, chống lão hóa. Các protein, canxi trong chân gà giúp nhanh liền vết thương, tốt cho xương.

Chân gà bạn có thể luộc ăn liền, ngâm sả quất (tắc) hoặc hầm với kỷ tử, hà thủ ô, tam thất... Khi hầm, chân gà tiết ra các chất dinh dưỡng như protein, collagen, glucosamin.

Gần đây, món ăn chân gà hầm đậu đen được nhiều người chia sẻ vì dễ làm và tận dụng được nguồn dinh dưỡng tốt từ 2 thực phẩm này.

Hạt đậu đen chứa 24,2% protein, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, canxi, sắt, vitamin B, vitamin C... Isoflavone trong đậu đen có khả năng điều chỉnh, chuyển hóa chất béo. Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận, tác dụng hoạt huyết lợi thủy, khu phong giải độc. Trị vàng da phù nề, đầy trướng bụng ngực, gân cơ co cứng, viêm sưng do ngộ độc thuốc và hóa chất...

Loại hạt này được dùng nấu chè, xôi, làm nguyên liệu chế biến các món ăn bổ dưỡng như hầm với hà thủ ô cùng các loại thịt khác. Chân gà hầm với đậu đen có các tác dụng như sau:

Trong chân gà chứa hàm lượng collagen rất cao, tương tự như collagen trong các loại rau lá xanh và trái cây. Đây là một trong những chất đặc biệt cần thiết để duy trì độ đàn hồi của da, giúp cơ thể hấp thụ canxi và các loại protein. Đậu đen nhiều chất xơ giúp no lâu. Bạn ăn món này có cảm giác no lâu nên vừa đẹp da, vừa giảm cân.

Chân gà còn chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, canxi, collagen giúp củng cố cấu trúc xương và ngăn ngừa các bệnh xương dễ gãy. Việc bổ sung món chân gà vào thực đơn hằng ngày từ lúc trẻ sẽ ngăn ngừa các bệnh liên quan đến xương khi về già.

Bên cạnh đó, đậu đen hầm chân gà còn có lợi cho sức khỏe như giúp giảm bệnh tiểu đường, giảm huyết áp, phòng bệnh tim mạch, kích thích tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Đây cũng là món ăn có tác dụng chữa tóc bạc sớm và rụng tóc, bổ thận, chống ngộ độc rượu và giải rượu, hỗ trợ điều trị bệnh gout và thải độc cơ thể.

Người đàn ông nhập viện với cổ chân đứt lìa

Trường hợp hy hữu xảy ra khi lưỡi máy cắt cỏ gãy, văng trúng cổ chân với tốc độ cao, khiến toàn bộ cổ chân phải của bệnh nhân bị đứt lìa hoàn toàn.

Tai nạn xảy ra khi người đàn ông 34 tuổi, quê Phú Thọ, đang sử dụng máy cắt cỏ thì bất ngờ lưỡi máy gãy văng trúng, khiến cổ chân phải bị đứt lìa hoàn toàn. Ngay sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện địa phương trước khi chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội.

May mắn, phần cổ chân đứt rời được bảo quản lạnh đúng cách, giúp tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nối vi phẫu.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, ca phẫu thuật gặp nhiều thách thức do bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 10 năm, dẫn đến mạch máu bị xơ vữa, dễ co thắt và thu nhỏ. Điều này yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa phẫu thuật tạo hình vi phẫu, chấn thương chỉnh hình, và gây mê hồi sức để đảm bảo nối thành công.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu kéo dài 5 giờ để tái tạo cấu trúc xương, nối mạch máu nuôi sống phần cổ chân và phục hồi hệ thống thần kinh. Đặc biệt, công tác gây mê hồi sức đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân duy trì tình trạng ổn định trong suốt quá trình mổ.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-26-12-4-cach-tam-dung-khong-lo-dot-tu-204241226115543762.htm
Zalo