Tin tức Đời sống 24/10: Bệnh ác tính về da gia tăng trở lại

Cập nhật tin tức đời sống ngày 24/10: Bệnh ác tính về da gia tăng trở lại; Bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm...

Bệnh ác tính về da gia tăng trở lại

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Da Liễu Trung ương ghi nhận số bệnh nhân mắc ung thư tế bào hắc tố da gia tăng gấp 3, 4 lần so với cùng kỳ với triệu chứng ban đầu của người bệnh là xuất hiện mảng tăng sắc tố đen ở bàn chân, bàn tay. Theo các bác sỹ, ung thư tế bào hắc tố ác tính nhất vì tiến triển nhanh, di căn xa.

TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, các khối u ác tính ở giai đoạn khu trú thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân nên thường bị bỏ qua không được để ý tới. Khi khối u xâm lấn sâu hơn, tỷ lệ sống 5 năm dao động từ 50-90% tùy thuộc độ dày, loét da và tỷ lệ phân chia tế bào của khối u ác tính. Khi khối u đã di căn hạch vùng, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm rất nhiều.

"Trong thời gian gần đây, sự trẻ hóa với nhóm bệnh ung thư nói chung và ung thư tế bào hắc tố ngày càng trẻ hóa. Những trường hợp xâm lấn sâu, nguy cơ di căn hạch, di căn các cơ quan nội tạng rất lớn, nếu di căn hạch và nội tạng càng khó khăn trong điều trị. Bởi vì đối với ung thư tế bào hắc tố thì phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính", TS.BS Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

Để phòng ngừa bệnh ung thư tế bào hắc tố da đang ngày càng trẻ hóa, các bác sỹ khuyến cáo người dân cần hạn chế và có biện pháp tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi có những mảng sắc tố xuất hiện trên da hoặc tiền sử gia đình có người mắc ung thư hắc tố cần đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm

BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe cho biết, các loại bụi mịn như PM2.5 hay PM10 là loại bụi mịn rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc, bụi mịn có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa như lông mũi, chất nhờn trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phía nan, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gene.

Chính vì vậy, bụi mịn là "sát thủ vô hình" mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường nhưng lại là tác nhân gây ra các loại bệnh cho con người như đột quỵ, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn, ung thư… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Tổ chức này cũng cho rằng có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong Top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới mấy chục năm qua.

Ô nhiễm không khí là căn nguyên phổ biến của rất nhiều loại bệnh.

Ô nhiễm không khí là căn nguyên phổ biến của rất nhiều loại bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Nguyên nhân dẫn đến mắt lác

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), mắt lác có thể xảy ra mọi lúc hoặc có thể chỉ một lúc rồi thôi. Người bị lác mắt nên điều trị vì tình trạng này khó có thể tự khỏi và gây ra nhiều vấn đề hơn nếu không được điều trị sớm.

Có nhiều nguyên nhân chính gây ra mắt lác. Đôi khi tình trạng này xảy ra do di truyền. Ở trẻ em, lác mắt thường do mắt cố gắng khắc phục vấn đề về thị lực, chẳng hạn:

- Cận thị - khó nhìn thấy những thứ ở xa

- Viễn thị - khó nhìn thấy các vật ở gần

- Loạn thị - nơi phía trước của mắt cong không đều, gây mờ mắt.

Các nguyên nhân hiếm gặp hơn gây lác mắt bao gồm:

- Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn bệnh sởi

- Một số tình trạng hoặc hội chứng di truyền, chẳng hạn hội chứng Down

- Chậm phát triển

- Bại não

-Các vấn đề khác về não hoặc dây thần kinh.

Điều quan trọng là cha mẹ không nên phớt lờ tình trạng lác mắt thường xuyên xảy ra ở trẻ hoặc phát triển sau 3 tháng tuổi. Nó có thể dẫn đến các vấn đề khác nếu không được điều trị, bao gồm:

- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi dai dẳng

- Nhược thị, hay mắt lười - nơi não bắt đầu bỏ qua các tín hiệu đến từ mắt bị ảnh hưởng, do đó con bạn không phát triển thị lực bình thường

- Xấu hổ hoặc lòng tự trọng thấp.

Phẫu thuật có thể giúp cải thiện lác mắt ngay cả khi tình trạng này kéo dài không điều trị trong thời gian dài. Tuy nhiên, mọi vấn đề về thị lực có thể là vĩnh viễn nếu không được điều trị khi còn trẻ.

Ngoài ra, mắt lác đôi khi cũng có thể là triệu chứng của một loại ung thư mắt hiếm gặp ở trẻ em gọi là u nguyên bào võng mạc. Đưa con bạn đến gặp bác sĩ đa khoa nếu trẻ bị lác mắt để loại trừ tình trạng này.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-24-10-benh-ac-tinh-ve-da-gia-tang-tro-lai-204241024120929803.htm
Zalo