Tin Thị trường: Giá dầu hôm nay tiếp đà trượt dốc

Giá dầu thế giới tiếp tục đà trượt dốc; Giá khí tự nhiên quay đầu tăng nhẹ...

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Giá dầu tiếp tục trượt dốc

Tính đến đầu giờ chiều nay 23/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 75,06 USD/thùng - giảm 0,5%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 78,64 USD/thùng - giảm 0,46%.

Các mức thuế đề xuất mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến giá dầu thô Brent giảm trong ngày thứ năm liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 9 và giá dầu thô WTI giảm trong ngày thứ tư liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11. Cả hai chuẩn dầu thô đều ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 9/1.

Các nhà phân tích cho rằng, việc các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn chưa rõ ràng, trong đó có các mức thuế liên quan đến Canada và Mexico là yếu tố hàng đầu gây bất ổn cho các nhà giao dịch. Ngoài ra, sự chú ý của thị trường dầu mỏ đang dần chuyển hướng khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sang chính sách thương mại tiềm năng của ông Trump, khi tổ hợp năng lượng này đã chịu áp lực lớn trước mối đe dọa ngày càng tăng về thuế quan.

Ông Trump cũng cho biết Mỹ có khả năng sẽ ngừng mua dầu từ Venezuela, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong 10 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 200.000 thùng dầu mỗi ngày từ Venezuela, tăng so với mức trung bình 100.000 thùng/ngày vào năm 2023.

Giá khí quay đầu tăng nhẹ

Tính đến đầu giờ chiều nay 23/1 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới đảo chiều tăng nhẹ 0,43% lên mức 3,977 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 1/2025.

Nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ thị trường Châu Á đang gặp nhiều thách thức, với Trung Quốc nổi lên với vai trò đặc biệt quan trọng. Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm tiềm năng doanh thu của Nga mà còn làm nổi bật tính cấp thiết của Châu Âu trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo và tăng cường hợp tác nội khối EU.

Sự thống trị của Nga trên thị trường khí đốt tự nhiên của Châu Âu bắt đầu tan vỡ vào cuối năm 2021, khi Gazprom giảm nguồn cung cho thị trường giao ngay, gây ra các đợt tăng giá đột biến. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022. Đến năm 2024, lưu lượng đường ống đến Châu Âu đã giảm mạnh xuống chỉ còn 20% so với mức trước xung đột.

Trên thực tế, nhu cầu công nghiệp của Trung Quốc đối với khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng, nhưng chiến lược năng lượng của nước này là ưu tiên đa dạng hóa, thúc đẩy khai thác đá phiến trong nước và nhập khẩu LNG cùng với khí đốt đường ống của Nga. Cách tiếp cận thận trọng vô hình hạn chế khả năng của Moscow trong việc thay thế doanh thu bị mất từ Châu Âu.

LNG của Mỹ tới Châu Âu sẽ làm dịu thị trường

Việc Liên minh Châu Âu (EU) mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sẽ giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt trên thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu và giảm giá tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp tại Đức, Michael Lewis, giám đốc điều hành của công ty năng lượng khổng lồ Uniper của Đức, cho biết.

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục EU, một lần nữa, mua thêm dầu và khí đốt của nước này để tránh thuế quan.

Đức đã nhập khẩu các lô hàng LNG của Mỹ tại các trạm tiếp nhận nổi mới được xây dựng sau khi kết thúc nhập khí đốt qua đường ống của Nga.

Trong tháng này, ít nhất sáu lô hàng LNG được dỡ lên tàu tại Mỹ và ban đầu dự kiến là đến Châu Á đã được chuyển hướng sang Châu Âu vì giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu tăng vọt trong những tuần gần đây trong khi giá tại Châu Á giảm do nhu cầu yếu hơn và lượng dự trữ cao.

Theo dữ liệu vận tải biển và các nhà phân tích, giá LNG giao ngay tại Châu Á đã tăng trong giai đoạn mùa đông, nhưng không đủ để duy trì mức chênh lệch đủ lớn so với giá chuẩn của Châu Âu nhằm khuyến khích việc bán LNG của Mỹ cho Châu Á.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-hom-nay-tiep-da-truot-doc-723478.html
Zalo