Tin thế giới ngày 8/9: Phó Thủ tướng Trung Quốc thăm Nga, Tấn công khủng bố ở Mali, Thủ tướng Nhật Bản sắp cải tổ nội các, Ukraine bắn hạ 16 UAV

Hàn Quốc tăng hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Tổng thống Venezuala thăm Trung Quốc, Thủ tướng Australia ủng hộ Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.

Thủ tướng Anh Sunak trò chuyện trên chuyến bay tới Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20 sắp tới. (Nguồn: The Guardian)

Thủ tướng Anh Sunak trò chuyện trên chuyến bay tới Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20 sắp tới. (Nguồn: The Guardian)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á

*Phó Thủ tướng Trung Quốc sắp thăm Nga, dự diễn đàn Kinh tế Phương Đông: Ngày 8/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing) sẽ thực hiện chuyến thăm Nga kéo dài ba ngày.

Trong thông cáo báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nhận lời mời của Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Trương Quốc Thanh sẽ tới thành phố cảng Vladivostok của Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 8, từ ngày 10-12/9.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức thường niên từ năm 2015 theo sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm kết nối và mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại giữa vùng Viễn Đông của Liên bang Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2022, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 với sự tham dự của đại diện từ 68 quốc gia diễn ra từ ngày 5-7/9 cũng tại thành phố Vladivostok của Nga với chủ đề “Con đường hướng tới thế giới đa cực”. (AFP)

*Thủ tướng Nhật Bản chuẩn bị cải tổ nội các: Theo báo Nikkei Asia đưa tin sáng 8/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ cải tổ nội các chính phủ và ban lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sớm nhất là vào ngày 13/9 tới. Có thông tin cho rằng ông vẫn giữ nguyên những thành viên có ảnh hưởng nhất.

Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ chính thức công bố việc cải tổ sau Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần tới tại Ấn Độ. Ưu tiên hàng đầu của ông Kishida trong cuộc cải tổ sắp tới là duy trì sự ổn định trong đảng trong bối cảnh ông dự định tái tranh cử vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) vào năm 2024.

Lần gần đây nhất Thủ tướng Kishida cải tổ nội các là vào tháng 8/2022. Tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của Thủ tướng Kishida đạt 42% trong cuộc thăm dò của Nikkei-TV Tokyo vào tháng 8. Thủ tướng Kishida đang tập trung vào duy trì sự ổn định và liền mạch với hy vọng đạt được nhiều thành tựu chính sách hơn. (Nikkei Asia)

*Hàn Quốc và Mỹ lập kế hoạch về răn đe mở rộng: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8/9 thông báo nước này và Mỹ có kế hoạch tổ chức thảo luận cấp cao về răn đe mở rộng vào tuần tới để trao đổi cách thức giải quyết hiệu quả hơn các mối đe dọa gia tăng trong khu vực.

Cuộc họp Nhóm Chiến lược và Tham vấn Răn đe mở rộng (EDSCG) lần thứ 4, với sự tham gia của các thứ trưởng quốc phòng và quan chức ngoại giao hai nước, dự kiến diễn ra tại Seoul vào ngày 15/9.

Theo thông báo, hai bên có kế hoạch thảo luận toàn diện và chuyên sâu về chính sách và hợp tác chiến lược nhằm tăng cường khả năng răn đe trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng rõ ràng tại khu vực. Răn đe mở rộng đề cập đến cam kết của Mỹ trong việc sử dụng tất cả các khả năng phòng thủ của mình, bao gồm cả năng lực hạt nhân, để giúp bảo vệ đồng minh. Hai bên đã tổ chức cuộc họp EDSCG đầu tiên vào năm 2017. (Yonhap)

*Thủ tướng Anh Rishi Sunak công du Ấn Độ: Hãng PTI đưa tin, chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Anh Rishi Sunak "rõ ràng rất đặc biệt" khi ông nói về việc được gọi là "con rể của Ấn Độ".

Phát biểu với phóng viên trong cuộc trò chuyện trên chuyến bay tới New Delhi, nhà lãnh đạo người Anh gốc Ấn Độ, 43 tuổi và kết hôn với một phụ nữ Ấn Độ ở Akshata Murty, cho biết ông rất vui mừng được trở lại Ấn Độ, “một đất nước rất gần gũi và thân thương đối với tôi”. Trong chuyến thăm này, ông đi cùng vợ, con gái của người đồng sáng lập Infosys Narayana Murthy, một trong những tỷ phú giàu nhất Ấn Độ.

Thủ tướng Sunak thường đưa gia đình tới Ấn Độ vào tháng 2 hàng năm, nhưng ông đã hủy bỏ những chuyến đi thường niên đó kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh vào năm 2020.

Dự kiến, ông Sunak sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Khi bắt đầu chuyến công du kéo dài ba ngày tới Ấn Độ, ông Sunak nhấn mạnh: “Tôi đang hướng tới Hội nghị thượng đỉnh G20 với mục tiêu rõ ràng. Ổn định nền kinh tế toàn cầu. Xây dựng các mối quan hệ quốc tế. Hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất”. (The Guardian)

*Hàn Quốc củng cố hợp tác quốc phòng với Ấn Độ: Trả lời phỏng vấn tờ The Times of India được công bố ngày 8/9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ông có kế hoạch trao đổi cách thức củng cố hợp tác quốc phòng và chuỗi cung ứng khi ông gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 11/9.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại New Delhi, diễn ra trong các ngày 9-10/9 tại New Delhi. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, “trong cuộc gặp song phương sắp tới, Thủ tướng Modi và tôi dự định thảo luận cách thức tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương - pháo tự hành K9 do Hàn Quốc sản xuất, được gọi là Vajra ở Ấn Độ, là ví dụ điển hình nhất - cũng như cách mở rộng nguồn cung - hợp tác chuỗi, tập trung vào công nghệ thông tin và các lĩnh vực công nghệ cao khác".

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chia sẻ kế hoạch thảo luận về tiến trình đàm phán giữa hai nước nhằm nâng cấp Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) có hiệu lực từ năm 2010. (Yonhap)

Châu Âu

*Ukraine thông báo bắn hạ 16 UAV ở khu vực Odesa: Giới chức quân sự Ukraine ngày 8/9 thông báo Không quân nước này đã bắn hạ 16/20 máy bay không người lái "Shahed" do Iran sản xuất mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công đêm 7/9 ở phía Nam Odesa.

Trên Telegram, Thị trưởng Odesa, Oleh Kiper cho biết: "Trong đêm qua, lực lượng Nga đã tấn công khu vực Odesa lần thứ 5 trong tuần".

Bộ Tư lệnh miền Nam của Ukraine cho biết 14 máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở vùng Odesa và 2 chiếc nữa ở vùng Mykolaiv. Họ cho biết các máy bay không người lái được phóng từ Nga và từ bán đảo Crimea.

Gần đây, Ukraina thường xuyên cáo buộc lực lượng Nga gia tăng không kích cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trên sông Danube và cảng Odesa kể từ giữa tháng 7, thời điểm Moscow rút khỏi thỏa thuận do LHQ làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn của Ukraine qua Biển Đen.(Reuters)

*Các cuộc bầu cử địa phương bắt đầu diễn ra tại Nga: Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Bầu cử ở Moscow, ông Vadim Kovalev thông báo ngày 8/9, tại thủ đô nước Nga đã chính thức bắt đầu các cuộc bầu cử địa phương và các quan sát viên có mặt ở tất cả các điểm bỏ phiếu.

Ông Kovalev phát biểu: "Có tới 100% quan sát viên có mặt tại các trung tâm bỏ phiếu. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng Moscow đang quan sát cuộc bỏ phiếu". Theo ông, tất cả các điểm bỏ phiếu đều mở cửa đúng giờ và các quan sát viên đã thông báo trực tuyến cho trụ sở chính rằng cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu như thường lệ và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc bầu cử.

Tổng cộng, 11.700 quan sát viên đã trải qua khóa đào tạo tại Moscow, nơi cử tri sẽ bầu ra thị trưởng, các nhà lập pháp địa phương và ủy viên hội đồng tại 13 thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 8-10/9. (TASS)

*EU yêu cầu Nga ngừng phong tỏa các cảng biển của Ukraine: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 8/9 khuyến cáo Nga "phải chấm dứt" việc phong tỏa các cảng biển của Ukraine sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian để đảm bảo cho các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc.

Phát biểu họp báo tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, ông Michel cảnh báo: "Sau khi rút khỏi sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, Nga lại phong tỏa và tấn công các cảng biển Ukraine. Việc này phải chấm dứt. Hơn 250 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới và bằng cách cố tình tấn công các cảng biển của Ukraine ".

Nga đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc từ ngày 17/7 sau nhiều lần gia hạn. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đang nỗ lực kêu gọi Nga trở lại thỏa thuận ngũ cốc. (AFP)

Châu Đại Dương

*New Zealand giải tán quốc hội trước thềm tổng tuyển cử: Ngày 8/9, New Zealand đã giải tán quốc hội trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới, trong bối cảnh kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy khả năng sẽ thay đổi chính phủ khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 14/10.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận trước thêm bầu cử đã cho thấy sự ủng hộ dành cho Công đảng cầm quyền do Thủ tướng Chris Hipkins lãnh đạo giảm dần, vốn đã đứng sau đảng Quốc gia đối lập chính do ông Christopher Luxon lãnh đạo trong những tháng gần đây. Cụ thể, kết quả cuộc thăm dò ý kiến được công bố ngày 8/9 cho thấy đảng Quốc gia trung hữu dẫn đầu với 35% số người được hỏi ủng hộ, so với 27% số ý kiến ủng hộ dành cho Công đảng cánh tả.

Theo truyền thông địa phương, lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là hai trong những mối quan tâm chính của cử tri. (Kyodo)

*Thủ tướng Australia ủng hộ Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông: Ngày 8/9, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã lên tiếng ủng hộ Philippines trong tranh chấp Biển Đông, nhân dịp hai nhà lãnh đạo ký kết thỏa thuận Đối tác chiến lược song phương.

Ông Albanese đưa ra quan điểm rằng Australia muốn luật pháp quốc tế được tôn trọng. Phán quyết năm 2016 về Biển Đông cho thấy Philippines thực thi các quyền lãnh thổ đối với những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Tổng thống Albanese nói thêm: Quan điểm của Australia sẽ tiếp tục nhất quán như chúng tôi vẫn luôn kiên định - bao gồm cả các vấn đề gần đây liên quan đến Biển Đông. Chúng tôi coi sự hiện diện của một khu vực rộng mở, ổn định và thịnh vượng là hết sức quan trọng.

Hỗ trợ thương mại, ủng hộ chủ quyền và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trong sự tham gia của chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm chung về an ninh, bao gồm việc ủng hộ Công ước Liên hợp quốc và Luật Biển (UNCLOS), vốn là điều rất quan trọng. Australia ủng hộ, như tôi đã nói tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông năm 2016. Điều đó mang tính ràng buộc và quan trọng là phán quyết đó phải được duy trì trong tương lai. (The Guardian)

Châu Mỹ

*Tổng thống Venezuala thăm Trung Quốc, Bắc Kinh ca ngợi mối quan hệ "vững chắc" với Caracas: Ngày 8/9, Trung Quốc đã ca ngợi các mối quan hệ với Venezuela là "vững chắc", cùng ngày diễn ra chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống quốc gia Mỹ Latinh, Nicolas Maduro.

Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước đang ngày càng trở nên vững chắc và hợp tác trong một loạt lĩnh vực đang không ngừng được mở rộng"

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 8 đến 14/9. Đây sẽ là chuyến thăm thứ năm của ông tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch nước.

Tổng thống Maduro năm nay 61 tuổi, từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng thống Venezuela. Ông Maduro được bầu làm Tổng thống Venezuela vào tháng 4 năm 2013 và tái đắc cử vào tháng 5 năm 2018. (AFP)

*Mỹ và Azerbaijan thảo luận về bình thường hóa quan hệ Armenia-Azerbaijan: Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra thông cáo cho biết Ngoại trưởng nước này Jeyhun Bayramov và quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Yuri Kim đã thảo luận bình thường hóa quan hệ Armenia-Azerbaijan thông qua điện đàm.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan thông tin: "Trong cuộc điện đàm, các bên đã thảo luận về chương trình nghị sự hợp tác song phương và đa phương, tình hình hiện nay, cũng như tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia. Ông Bayramov đã thông báo cho phía Mỹ về tình hình hiện tại trong khu vực, lưu ý rằng hoạt động tuyên truyền do Armenia thực hiện trong bối cảnh quốc gia này ngày càng có các hành động khiêu khích quân sự và chính trị chống lại Azerbaijan cũng như các hành động thao túng nhằm bóp méo tình hình, nhằm mục đích đưa thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế và không phản ánh thực tế".(Sputniknews)

Trung Đông- Châu Phi

*Iran sẵn sàng xây nhà máy lọc dầu tại Burkina Faso: Báo Tehran Times ngày 7/9 dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oji cho biết nước này sẵn sàng xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Burkina Faso và xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật sang quốc gia châu Phi này. Ông Javad Oji đưa ra phát biểu trên trong cuộc gặp mới đây với Ngoại trưởng Burkina Faso Olivia Ragnaghnewende Rouamba.

Theo Bộ trưởng Javad Oji, Iran và Burkina Faso đã nhất trí xây dựng một nhà máy lọc dầu ở quốc gia châu Phi này theo một biên bản ghi nhớ được ký kết trước đó. Việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ và dịch vụ kỹ thuật của Iran cũng được thảo luận trong cuộc gặp nói trên.

Đầu tháng 9 vừa qua, ông Ahmad Shokri, Giám đốc dự án của Công ty Hóa dầu Quốc gia Iran (NPC), cho hay Iran sẵn sàng triển khai các dự án hóa dầu tại các quốc gia thân thiện. Theo quy hoạch, công suất ngành hóa dầu của Iran sẽ đạt 200 triệu tấn mỗi năm và để đạt được công suất này, Iran sẽ cần nguồn vốn đầu tư lên tới 90 tỷ USD.

*Tấn công liều chết ở miền Bắc Mali, ít nhất 64 người thiệt mạng: Quân đội Mali cho biết trong ngày 8/9, hai vụ tấn công riêng biệt nhằm vào một căn cứ quân sự ở miền Bắc nước này và chiếc tàu chở khách khiến 64 người thiệt mạng.

Theo một tuyên bố của chính phủ, hai cuộc tấn công riêng biệt nhắm vào tàu Timbuktu trên sông Niger và một doanh trại quân đội ở Bamba, phía bắc Mali khiến "con số tạm thời là 49 thường dân và 15 binh sĩ thiệt mạng". Nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda và ISIS "tuyên bố" đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Căng thẳng trong khu vực miền Bắc Mali đã bùng phát trong những tuần gần đây sau khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali thông báo sẽ rút khỏi khu vực này vào cuối năm nay và đã bàn giao hai căn cứ gần Timbuktu cho lực lượng vũ trang Mali. (Al jazeera)

Thế Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-89-pho-thu-tuong-trung-quoc-tham-nga-tan-cong-khung-bo-o-mali-thu-tuong-nhat-ban-sap-cai-to-noi-cac-ukraine-ban-ha-16-uav-241349.html
Zalo