Venezuela và Mỹ mở cánh cửa đối ngoại

Việc cả hai quốc gia Venezuela và Mỹ cùng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với nhau đã mở ra cơ hội để ngồi lại đàm phán, giải quyết những căng thẳng, tranh chấp nhằm cải thiện một trong những mối quan hệ song phương căng thẳng nhất tại Tây bán cầu suốt hàng chục năm qua.

Nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

Trong phát biểu ngày 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Venezuela. Dù ông Vedant Patel không xác nhận tuyên bố trước đó của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về việc đại diện hai nước đã lên kế hoạch gặp gỡ vào ngày 3-7, song cho biết Washington “hoan nghênh đối thoại thiện chí”.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẵn sàng đối thoại với phía Mỹ

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẵn sàng đối thoại với phía Mỹ

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khi phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 1-7 đã cho biết, các phái đoàn của chính phủ nước này và Mỹ sẽ nối lại đàm phán vào ngày 3-7 nhằm tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy các thỏa thuận chính trị chung. Ông Nicolas Maduro tuyên bố, Venezuela đã chấp thuận đề xuất của Chính phủ Mỹ về việc nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp sau 2 tháng cân nhắc.

Việc cả Mỹ và Venezuela cùng bày tỏ sẵn sàng tiến hành đối thoại đã mở ra cơ hội để tìm tiếng nói chung nhằm giảm căng thẳng và cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn chìm vào đối đầu suốt 1/4 thế kỷ qua. Căng thẳng giữa hai quốc gia châu Mỹ này nảy sinh và dần leo thang sau khi người tiền nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro là ông Hugo Chavez lên cầm quyền vào năm 1999.

Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2001 đã thực hiện chương trình quốc hữu hóa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng, từ dầu mỏ, nông sản, ngân hàng cho đến bán buôn. Điều này đã ảnh hưởng đến các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Venezuela, nhất là các “ông lớn” năng lượng ConocoPhilipps và Tập đoàn dầu khí ExxonMobil.

Quan hệ giữa Venezuela ngày càng leo lên nấc thang căng thẳng cao hơn. Sau khi tuyên bố phát một âm mưu đảo chính vào năm 2002, Tổng thống Hugo Chavez đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Mỹ ủng hộ cuộc nổi loạn và dùng những lời lẽ nặng nề với cá nhân nhà lãnh đạo Mỹ khi đó là Tổng thống George W. Bush. Đáp lại, phía Mỹ cũng dùng những từ ngữ không kém phần nặng nề đối với cá nhân nhà lãnh đạo Hugo Chavez của Venezuela.

Không chỉ dừng ở lời nói, Washington đẩy quan hệ với Venezuela vào thế đối đầu khi liên tiếp áp đặt các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế ngày càng nặng nề nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này. Năm 2006, chính quyền Mỹ cấm bán vũ khí và vật liệu quân sự cho Venezuela với lý do quốc gia này “thiếu hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố”. Quan hệ hai nước căng thẳng tới mức đã không bố trí đại sứ tại thủ đô của nhau kể từ năm 2010.

Sự đối đầu Mỹ - Venezuela bắt đầu khi ông Hugo Chavez cầm quyền, song chẳng những không lắng dịu mà còn tiếp diễn, thậm chí có thời điểm còn căng thẳng không kém dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro. Trong đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama hồi năm 2025 đã ký sắc lệnh coi Caracas là mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, đồng thời áp đặt trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cao cấp của nước này. Venezuela khi đó đã kịch liệt phản đối và coi đây là những động thái làm leo thang căng thẳng và là tiền đề để can thiệp quân sự.

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela leo lên các đỉnh điểm và năm 2017 khi Washington áp đặt trừng phạt đối với cá nhân Tổng thống Nicolas Maduro - bước đi hiếm hoi chống lại một nguyên thủ quốc gia; và năm 2019 khi áp đặt lệnh trừng phạt cấm công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA xuất khẩu. Trong khi đó, đây là nguồn thu quan trọng nhất, đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào khó khăn, khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhiều năm sau đó.

Tìm kiếm tương lai mới cho mối quan hệ Venezuela - Mỹ

Sau nhiều năm đối đầu gay gắt, quan hệ Mỹ - Venezuela có những động thái tích cực, hướng tới giảm căng thẳng để tiến tới cải thiện từ năm 2023 dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Nhà Trắng vào tháng 10-2023 đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela để đáp lại thỏa thuận đạt được giữa chính phủ nước này và các đảng đối lập về việc tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 7-2024.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạo điều kiện để Venezuela - một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), được sản xuất và xuất khẩu dầu sang các thị trường đã chọn mà không bị giới hạn. Động thái giảm căng thẳng giữa hai nước này giúp mở lại cánh cửa của Venezuela cho hàng chục công ty dầu mỏ bị đóng băng hoặc giảm hoạt động ở nước này do bị ảnh hưởng tới lệnh cấm vận ngặt nghèo trước đó.

Tổng thống Nicolas Maduro đã ngay lập tức có phản hồi tích cực, lên tiếng kêu gọi mở ra “một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Caracas và Washington” sau khi Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Venezuela. Nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh, “hãy khôi phục các mối quan hệ tôn trọng và hợp tác vì hòa bình trên khắp Tây bán cầu, châu Mỹ và vùng Caribe”.

Không thông báo công khai, Mỹ và Venezuela sau đó đã bí mật tiến hành đàm phán tại Qatar hồi cuối năm 2023 nhằm giảm căng thẳng. Một trong những “nút thắng” quan trọng cản trở việc cải thiện quan hệ song phương đã được cởi bỏ là việc Tổng thống Nicolas Maduro đồng ý tiến hành bầu cử Tổng thống, dự định diễn ra vào ngày 28-7-2024. Ông Nicolas Maduro đã tuyên bố ra tranh cử để tìm kiếm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba có thời hạn 6 năm.

Mỹ và Venezuela tiếp tục duy trì kênh đối thoại, tổ chức nhiều vòng đàm phán. Trong đó, vòng đàm phán gần nhất diễn ra hồi tháng 4 vừa qua tại Mexico. Một trong những nhân tố thúc đẩy Mỹ cải thiện quan hệ với Venezuela là quốc gia này sau những năm gặp vô vàn khó khăn do các lệnh cấm vận, trừng phạt của Washington đã ứng phó hiệu quả và đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Phát biểu tại Hội thảo Phát triển kinh tế quốc tế 2024 vừa diễn ra tại Thủ đô Caracas, Tổng thống Nicolas Maduro tin tưởng, Venezuela sẽ đạt được những tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và sản xuất lương thực sau khi trải qua giai đoạn kinh tế phức tạp.

Nhà lãnh đạo này cho biết, Venezuela đã phát triển theo mô hình mới và đạt được nhiều kỷ lục liên tiếp trong sản xuất thực phẩm tại thị trường nội địa, đồng thời thành công xây dựng một hệ thống trao đổi mới và bền vững. Tốc độ lạm phát tại Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, trong khi ghi nhận mức tăng trưởng hơn 7% trong quý đầu tiên của năm 2024. Tổng thống Nicolas tin tưởng, nền kinh tế của quốc gia này sẽ tăng trưởng hơn 8% trong năm nay.

Tuyên bố tiến hành đối thoại với Mỹ, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodríguez Gómez sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tham gia đàm phán. Ông Nicolas Maduro nhấn mạnh, ủng hộ đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi và tìm kiếm một tương lai mới cho mối quan hệ giữa Venezuela và Mỹ với điều kiện tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và độc lập của quốc gia Nam Mỹ này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/venezuela-va-my-mo-canh-cua-doi-ngoai-post581799.antd
Zalo