Lý do Venezuela đồng ý mở lại đàm phán với Mỹ

Động cơ của Tổng thống Maduro muốn nối lại đàm phán với Mỹ nhằm thể hiện sự sẵn sàng đối thoại để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính và công nghệ nghiêm ngặt.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu họp báo tại thủ đô Caracas. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu họp báo tại thủ đô Caracas. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Venezuela và Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán trước thềm cuộc bầu cử tại quốc gia Mỹ Latinh này dự kiến diễn ra vào ngày 28/7, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết trên chương trình truyền hình ConMaduro+. "Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để ký kết các thỏa thuận mới và thực hiện các thỏa thuận đã ký kết trước đó", nhà lãnh đạo Venezuela nêu rõ.

Như ông Maduro đã lưu ý, cuộc đối thoại trực tiếp như vậy phải được công khai để tránh bị thao túng. “Chúng tôi sẽ không còn gặp nhau bí mật nữa, chúng ta đã thấy rằng việc tổ chức những cuộc họp bí mật chỉ khuyến khích những đồn đoán và tin đồn. Vì lý do này, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn để cả nước và cộng đồng quốc tế có thể tận mắt chứng kiến rằng hòa bình và sự hiểu biết đang ngự trị ở Venezuela”, ông Maduro tuyên bố.

Trước đó, như tờ El Pais đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez và Giám đốc cấp cao về các vấn đề Tây bán cầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Juan Gonzalez đã gặp nhau tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm.

Theo Bloomberg, Tổng thống Maduro và phía Mỹ có thể sẽ đồng ý rằng để đổi lấy bảo đảm bầu cử - tức là cho phép các ứng cử viên phe đối lập tranh cử ở Venezuela và đảm bảo tính minh bạch của cuộc bầu cử này - Washington sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Caracas. Chúng được đưa ra vào năm 2019 sau các cuộc biểu tình quy mô lớn, sau đó Mỹ công nhận Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó là nhà lãnh đạo Venezuala.

Mục tiêu trừng phạt chủ yếu nhằm vào công ty dầu khí nhà nước PdVSA. Công ty bị cấm chuyển tiền vào các tài khoản ở Mỹ, nơi bán phần lớn dầu xuất khẩu của công ty. Khả năng sở hữu ba nhà máy lọc dầu của công ty PdVSA trên lãnh thổ Mỹ đã bị chặn. Tài sản trị giá 7 tỷ USD của công ty cũng bị phong tỏa.

Vào tháng 10/2023, các lệnh trừng phạt được nới lỏng. Lý do cho điều này là do thỏa thuận về cuộc bầu cử năm 2024 đã đạt được giữa chính phủ và phe đối lập. Sau đó, do cuộc họp ở Barbados, quyền của mọi chính trị gia được tự do lựa chọn ứng cử viên của mình trong cuộc bầu cử tổng thống đã được ấn định và các đảm bảo được cung cấp cho tất cả những người tham gia bầu cử.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, để đáp lại “những bước tiến dân chủ” này, Washington đã cấp giấy phép chung cho phép các hoạt động liên quan đến lĩnh vực khai thác dầu, khí đốt và vàng của Venezuela.

Nhưng vào ngày 17/4 năm nay, các lệnh trừng phạt đã được gia hạn. Nguyên nhân là do tòa án cấm ứng cử viên đối lập chính của Venezuela, người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, Maria Corina Machado, tham gia bầu cử trong 15 năm.

Giờ đây, trong cuộc bầu cử sắp tới vào ngày 28/7, ông Maduro sẽ phải cạnh tranh với người ủng hộ bà Machado, cựu Đại sứ Venezuela tại Argentina Edmundo Gonzalez. Như báo El Pais đưa tin hồi tháng 6, ông Gonzalez dự báo sẽ giành được khoảng 50% phiếu bầu, trong khi chỉ có 22 đến 25% cử tri sẵn sàng bỏ phiếu cho Maduro.

Tatyana Ruskova, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết phe đối lập ở Venezuela đã có thể vượt qua sự chia rẽ truyền thống và lâu đời của mình và đề cử một ứng cử viên duy nhất. Đổi lại, ông Maduro có thể nhận thấy rõ ràng là không đủ sự ủng hộ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và sự đoàn kết của phe đối lập sau khi bà Machado bị chặn khỏi cuộc đua đã khiến ông bất ngờ.

Về phần mình, Dmitry Rozental, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, bất chấp tỷ lệ ủng hộ cao hơn của ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez, người đang vận động tranh cử mạnh mẽ, ông Maduro vẫn có cơ hội chiến thắng cao.

Chuyên gia Rozental lưu ý, động cơ của Tổng thống Maduro muốn nối lại đàm phán với Mỹ là rõ ràng: đây là một minh chứng cho sự sẵn sàng đối thoại để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính và công nghệ nghiêm ngặt. Caracas cần quay trở lại khối lượng sản xuất dầu năm 2019, điều này là cần thiết để xoa dịu thị trường và các nhà đầu tư, giúp họ tự tin tiếp tục đối thoại với Mỹ và phe đối lập sau cuộc bầu cử. Vào cuối tháng 1/2019, sản lượng dầu ở Venezuela lên tới 1,1 triệu thùng mỗi ngày. Theo dữ liệu ngày 1/7 năm nay, sản lượng dầu lại chỉ đạt 1 triệu thùng mỗi ngày.

Nhưng trên thực tế, dưới chính quyền hiện tại, Mỹ và Venezuela không có nhiều điều để thảo luận, chuyên gia Rozental nhận định. "Caracas không có gì nhiều để cung cấp cho Washington. Ông Maduro khó có khả năng thực hiện các bảo đảm bầu cử tiềm năng - cho phép các ứng cử viên đối lập tham gia cuộc bầu cử. Do đó, có thể có một số tương tác giữa Mỹ và Venezuela ngay thời điểm này nhưng điều này sẽ không dẫn đến đột phá trong quan hệ", chuyên gia trên kết luận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Vedomosti)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-venezuela-dong-y-mo-lai-dam-phan-voi-my-20240703181249885.htm
Zalo