Tin thế giới 9/12: Nga thừa nhận bất ngờ về tình hình Syria, cự tuyệt tiết lộ tung tích ông Assad; Tổng thống Hàn Quốc bị cấm xuất ngoại

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Hiện tại, thông tin về nơi ở của Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad sau khi ông rời khỏi đất nước vẫn là bí mật. (Nguồn: TASS)

Hiện tại, thông tin về nơi ở của Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad sau khi ông rời khỏi đất nước vẫn là bí mật. (Nguồn: TASS)

Châu Âu

* Nga từ chối xác nhận tung tích của Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad. Ngày 9/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo: "Về nơi ở của Tổng thống Assad, tôi không có gì để nói với các bạn… Những gì đã xảy ra khiến cả thế giới bất ngờ và trong trường hợp này, chúng tôi cũng không ngoại lệ".

Ông Peskov khẳng định Nga sẽ thảo luận về tình trạng 2 căn cứ quân sự của Nga tại Syria với những nhà cầm quyền mới của nước này.

Nga cho biết, nước này đang đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực về tình hình Syria, cho rằng quốc gia Trung Đông này hiện ở giai đoạn rất khó khăn do bất ổn. (AFP)

* Tình hình của quân đội Ukraine đang khó khăn trên toàn mặt trận, theo bản tóm tắt hoạt động mới nhất được công bố trên kênh Telegram của Bộ Tổng tham mưu nước này. (TASS)

* Hai trực thăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ va chạm trên không ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 9/12, khiến một chiếc bị rơi và 5 quân nhân thiệt mạng. Chiếc trực thăng còn lại đã hạ cánh an toàn. Trong số những nạn nhân nêu trên có một thiếu tướng phụ trách trường hàng không.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến hai trực thăng va chạm. Cuộc điều tra đã được tiến hành. (AP)

* Đảng đối lập Romania yêu cầu Tổng thống Klaus Iohannis giải mật thông tin liên quan bầu cử quốc hội hôm 2/12, tương tự như thông tin liên quan cuộc bầu cử tổng thống vừa bị hủy bỏ.

Theo đảng đối lập Đổi mới Dự án châu Âu của Romania (REPER), có tất cả các điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến sự công bằng của toàn bộ quá trình bầu cử, trong bối cảnh chiến tranh mạng và rủi ro liên quan an ninh quốc gia, cần phải giải mật các thông tin trên. (TTXVN)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị cấm xuất cảnh trong thời gian chờ điều tra các cáo buộc phản quốc và các tội danh khác liên quan việc áp đặt thiết quân luật hồi tuần trước.

Lệnh cấm do Bộ Tư pháp Hàn Quốc ban hành ngày 9/12, ngay sau khi Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO) thông báo đã đệ trình yêu cầu ra lệnh này.

Cùng ngày, các công tố viên Hàn Quốc đã triệu tập tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt của lục quân, Trung tướng Kwak Jong-keun, để điều tra về vai trò của ông trong vụ áp đặt thiết quân luật. (Yonhap)

* Nga phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "quân sự hóa khu vực Đông Nam Á, cũng như mở rộng đến phần này của hành tinh", theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tại Hội nghị châu Á lần thứ 15 của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai.

Lưu ý rằng hợp tác của Nga với các đối tác trong khu vực "phù hợp với thực tế hiện nay", theo nhà ngoại giao, Moscow tin rằng châu Á "xứng đáng có cách tiếp cận mang tính xây dựng, hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế phù hợp với các mục tiêu của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ASEAN và Diễn đàn hợp tác Á - Âu". (TASS)

* Trung Quốc "kiên quyết bảo vệ" chủ quyền và nhấn mạnh Đài Loan là một phần "không thể tách rời" của lãnh thổ nước này. (AFP)

* Ít nhất 40 trường học ở Delhi, Ấn Độ, nhận được thư điện tử đe dọa đánh bom và đòi 30.000 USD. Cảnh sát đang tiến hành khám xét sơ bộ tại các khu vực trường học. (ANI)

* Australia-Nauru công bố hiệp ước an ninh mang tính bước ngoặt, thúc đẩy mục tiêu của Canberra mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương.

Theo thỏa thuận được công bố, Australia sẽ hỗ trợ ngân sách của Nauru 64 triệu USD và thêm 25 triệu USD để tăng cường lực lượng cảnh sát bảo đảm an ninh. Đổi lại, Nauru sẽ tham vấn Australia trước khi ký bất kỳ hiệp định song phương nào về an ninh hàng hải, quốc phòng và cảnh sát, cũng như quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng và sân bay hoặc lĩnh vực ngân hàng. (ABC News)

Trung Đông-châu Phi

* Bất kỳ quá trình chuyển tiếp chính trị nào tại Syria phải bao gồm việc quy trách nhiệm đối với những kẻ gây ra các vi phạm nghiêm trọng dưới thời chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, theo lời Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk ngày 9/12.

Ông nhấn mạnh: "Cần phải thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ tất cả các nhóm thiểu số, ngăn chặn các hành động trả thù và trả đũa". (AFP)

* Israel muốn thiết lập quan hệ láng giềng và hòa bình với các lực lượng mới nổi lên ở Syria, theo lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 8/12, song ông cũng cảnh báo: "Nếu không, chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ Nhà nước và biên giới của Israel". (Times of Israel)

* Thủ tướng Abdul-Hamed Dbeibah phê duyệt Chiến lược An ninh lương thực quốc gia 2025-2035 vào ngày 8/12, bao gồm 174 dự án và 65 chương trình nhằm bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Chính phủ Libya khẳng định cam kết cung cấp nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để thực hiện chiến lược này, nhằm tăng cường sản xuất trong nước, đạt tự chủ lương thực và xây dựng hệ thống lương thực bền vững. (THX)

Châu Mỹ

* Hy vọng con tin Gaza được thả trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, Đặc phái viên của ông Trung Đông Steve Witkoff nói ngày 9/12. (Reuters)

* Ít nhất 110 người bị băng đảng sát hại hồi cuối tuần ở khu Cite Soleil của thủ đô Port-au-Prince, Haiti, theo Mạng lưới bảo vệ nhân quyền quốc gia (RNDDH) nước này ngày 8/12.

Theo RNDDH, tất cả các nạn nhân đều đã trên 60 tuổi, trong đó khoảng 60 người đã bị sát hại hôm 6/12 và khoảng 50 người khác bị hành hình một ngày sau đó bằng dao. Thủ lĩnh của băng nhóm vũ trang Wharf Jeremie đứng sau vụ việc. (AAP)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-912-nga-thua-nhan-bat-ngo-ve-tinh-hinh-syria-cu-tuyet-tiet-lo-tung-tich-ong-assad-tong-thong-han-quoc-bi-cam-xuat-ngoai-296785.html
Zalo