Mỹ: Tiến trình hạ nhiệt lạm phát có nguy cơ chệch hướng
Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ bày tỏ lo ngại chiến lược áp thuế trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu có thể làm chệch hướng tiến trình kiềm chế lạm phát thời gian qua.
Ngày 11/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu có thể cản trở những nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát và khiến giá tiêu dùng tăng.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc điều hành (CEO) của Tạp chí Phố Wall, Bộ trưởng Yellen bày tỏ lo ngại chiến lược nói trên có thể làm chệch hướng tiến trình kiềm chế lạm phát thời gian qua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Giải đáp câu hỏi của báo giới về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ áp thuế trên diện rộng, bà Yellen nhận định chính sách này có thể khiến giá cả tăng đáng kể, bất lợi cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo áp lực chi phí cho các công ty vốn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của một số lĩnh vực nhất định và tạo thêm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình.
Nữ Bộ trưởng Tài chính bảo vệ những nỗ lực của chính quyền đương nhiệm về áp thuế có mục tiêu nhằm ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng từ nước ngoài.
Bộ trưởng Yellen đưa ra nhận định trên trong bối cảnh ông Trump tuyên bố áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, đồng thời đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico.
Trong một phát biểu ngày 11/12 tại Viện Brookings ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật thành quả kinh tế Mỹ hiện nay.
Ông Biden lập luận rằng các nỗ của ông thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và các cộng đồng bị bỏ lại phía sau đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn và đặt nền tảng cho sự tăng trưởng liên tục.
Ông bày tỏ hy vọng chính quyền mới sẽ duy trì và phát triển dựa trên sự tiến bộ này, song cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại như việc người lao động Mỹ vẫn đang phải chật vật với lạm phát và giá nhà cao.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Mỹ, thành viên cấp cao tại Hội đồng Di trú Mỹ, ông Aaron Reichlin-Melnickcho rằng kế hoạch của Tổng thống đắc cử Trump về việc trục xuất người di cư với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Mỹ sẽ hủy hoại nền kinh tế “xứ cờ hoa,” chia cắt các gia đình và giáng một đòn mạnh vào nền tảng xã hội của Mỹ khi gần 4% dân số Mỹ phải rời khỏi nước này.
Ông ước tính các cuộc trục xuất hàng loạt sẽ “ngốn” gần 1.000 tỷ USD, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm từ 4,2-6,8%, tương đương tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tổng thống đắc cử Trump đã cam kết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về nhập cư khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, sử dụng quân đội để trục xuất khoảng 13 triệu người di cư không có giấy tờ tại Mỹ hiện nay./.