Tin ở giáo viên

Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10.1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: 'Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được'.

Vì sao tôi chọn nghề giáo?

Cô giáo Thu Hà, Trường Marie Curie Hà Nội, từng chia sẻ câu chuyện “Vì sao tôi chọn nghề giáo?”. “Không ít học trò và bạn bè hỏi vì sao tôi trở thành giáo viên. Mọi người hay trêu tôi rằng, mấy chục năm dạy đi, dạy lại chừng đó kiến thức thì chắc chán lắm! Tôi giật mình, ừ nhỉ, làm cô giáo có chán thật không?”.

 Cuốn sách “Tin ở giáo viên” chia sẻ phương thức Phần Lan tạo lập trường học đẳng cấp thế giới. Nguồn: Times

Cuốn sách “Tin ở giáo viên” chia sẻ phương thức Phần Lan tạo lập trường học đẳng cấp thế giới. Nguồn: Times

Tự đặt câu hỏi như vậy, cô Thu Hà lại tự đưa ra câu trả lời: Có chán không khi hàng ngày được trò chuyện, nhìn ngắm những đôi mắt sáng và những nụ cười tươi của tụi trẻ? Có chán không khi cứ mỗi bài học, tôi lại mang đến cho những người học khác nhau rồi từ đó bắc nhịp cầu để tôi hiểu hơn về thế giới nội tâm của một đứa trẻ? Có chán không khi mỗi ngày, tôi thấy điều mình nói lại giúp học sinh vượt qua những khó khăn, vướng mắc và vươn lên trong cuộc sống? Có chán không khi mỗi ngày, tôi lại thấy “con mình” lớn hơn một chút, trưởng thành hơn một chút cho đến lúc có thể tự mình bay xa?... “Vì những điều viển vông và mộng mơ ấy mà tôi cứ đắm đuối với những đứa trẻ hơn 10 năm qua, hết khóa này đến khóa khác…”.

Cô Hà kể câu chuyện về một học trò ở mái trường cô từng công tác trước đây. Cô bé ấy đã có những ngày tháng khủng hoảng ở tuổi 15, khép mình với bố mẹ và “đóng cửa” với mọi người xung quanh. Những ngày tháng đồng hành với cô bé đã giúp cô Hà chiêm nghiệm thật sâu sắc câu hỏi: Điều gì thực sự quan trọng với một đứa trẻ? Thành tích học tập hay sự trưởng thành vững vàng?

“Không ít lần, tôi cùng con rơi vào tình thế đáng lo ngại nhưng cô gái can đảm và nỗ lực ấy đã dạy tôi thêm tin tưởng, thêm kiên trì, thêm bao dung và thật nhiều yêu thương. Giờ đây, con là sinh viên đại học đầy nỗ lực và có những thành tựu đáng nể. Câu chuyện ấy luôn là động lực để tôi vững tâm hơn với những việc mình làm cho học trò mỗi ngày”, cô Hà chia sẻ.

Làm giáo viên không phải chỉ là dạy học. Bài giảng chỉ là nhịp cầu để các thầy cô đến gần hơn với những đứa trẻ, để hiểu và dẫn dắt tâm hồn ấy lớn lên khỏe mạnh. Cô Hà vẫn nhớ trong bức thư xin việc gửi thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, đã viết: “Em hiểu rằng, để nuôi dưỡng một người, nhất là một đứa trẻ thì nguyên tắc, kỷ luật, kỹ năng, kiến thức đều chưa đủ mà rất cần niềm tin, tình yêu thương và sự trao truyền trong cả môi trường rộng lớn”. Và cô nhận thấy, Marie Curie thực sự là môi trường của sự nâng đỡ, chăm sóc và yêu thương để những đứa trẻ được lớn lên một cách vững vàng trong niềm tin yêu.

Tin tưởng và trao quyền

Giáo dục chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một đất nước hạnh phúc; và giáo viên là nền tảng của bất kỳ hệ thống giáo dục thành công nào. Giáo viên không chỉ là những người truyền đạt kiến thức, mà còn là những người đồng hành, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Chính nhờ vào đam mê, cống hiến và chuyên môn của họ mà học sinh được hướng dẫn đến một tương lai đầy triển vọng. Nhưng để giáo viên có thể phát triển, họ cần được tin tưởng, tôn trọng chuyên môn, tự do sáng tạo và truyền cảm hứng.

 Cô giáo Thu Hà với học sinh. Nguồn: Trường Marie Curie

Cô giáo Thu Hà với học sinh. Nguồn: Trường Marie Curie

TS. Hoàng Anh Đức, Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-Line, kể, trong công việc của mình, anh đã nhiều lần chứng kiến sức mạnh chuyển đổi của niềm tin. “Khi giáo viên được tin tưởng, họ có nhiều khả năng chấp nhận rủi ro, khám phá các phương pháp giảng dạy mới và tạo ra môi trường học tập nơi học sinh cảm thấy an toàn, được hỗ trợ và có động lực học tập. Niềm tin không phải là thứ xa xỉ, nó là một nhu cầu cần thiết cho bất kỳ hệ thống giáo dục nào muốn chuẩn bị cho học sinh của mình một tương lai tốt đẹp”.

Ở những quốc gia như Phần Lan, giáo viên được trao quyền và được tin tưởng cao. Họ không chỉ làm theo chương trình giảng dạy mà còn đóng vai trò chủ động và tích cực. Họ có thể chọn tài liệu, chọn cách dạy, nơi dạy, thời điểm và thời lượng dạy. Họ là những người chuyên nghiệp. Xã hội tin tưởng vào giáo viên, nhờ đó, quá trình giảng dạy diễn ra một cách suôn sẻ và hiệu quả. Điều này chứng tỏ rằng, khi được trao quyền và tin tưởng, giáo viên sẽ có đủ tự do để sáng tạo và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho từng học sinh. Sự tin tưởng này không chỉ đến từ chính quyền mà còn từ đồng nghiệp và phụ huynh.

Trong cuốn sách “Tin ở giáo viên” được NXB Dân trí và Times phát hành tại Việt Nam đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) năm nay, hai tác giả Timothy D. Walker và Pasi Sahlberg khẳng định, niềm tin giúp giáo viên và trường học có thể cải thiện thành tích giáo dục thông qua xây dựng mối quan hệ, tinh thần hợp tác và nâng cao sự hài lòng, an tâm của phụ huynh vào trường học. "Niềm tin chính là chất keo hỗ trợ sự gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực về mặt xã hội trong một hệ thống giáo dục. Trong một hệ thống như vậy, kiến thức chuyên môn, kĩ năng và trí tuệ tập thể của các giáo viên được đánh giá cao trong quá trình ra quyết định".

Từ kinh nghiệm của Phần Lan cho thấy, quyền tự chủ chuyên môn là yếu tố quan trọng để giữ chân giáo viên ở lại ngành này. Hay nói cách khác, giáo viên phải được trao niềm tin và tự chủ trong công tác giảng dạy.

La Nguyệt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-o-giao-vien-post396825.html
Zalo