Thiếu vai trò chủ trì ngành GD trong quản lý nhà giáo: Nhiều bất cập nảy sinh
Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp có những góp ý liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo...
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý tại địa phương khi thiếu vai trò chủ trì của ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã có những góp ý liên quan đến nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Nhiều khó khăn
- Từ thực tiễn quản lý giáo dục tại địa phương, bà có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo liên quan đến phân cấp, thiếu vai trò chủ trì của ngành Giáo dục?
- Thực hiện theo phân cấp quản lý của tỉnh và các quy định hiện hành về phân cấp, sở GD&ĐT quản lý các trường THPT, trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện, trường khuyết tật tỉnh; UBND cấp huyện quản lý các trường THCS, tiểu học, mầm non.
Có thể thấy một số khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng:
Theo phân cấp quản lý hiện hành nêu trên, tỉnh Đồng Tháp có 13 đầu mối để tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông (12 đầu mối UBND cấp huyện và sở GD&ĐT).
Hằng năm, khi triển khai tuyển dụng theo kế hoạch của các địa phương thì thời gian thường không đồng bộ (huyện này tổ chức trước, huyện kia tổ chức sau). Khi đó, ứng viên có thể nộp đơn đăng ký dự tuyển tại nhiều nơi (quy định không cấm).
Bởi vậy, có khả năng ứng viên trúng tuyển nhiều nơi nhưng chỉ chọn được một nơi đã trúng tuyển. Bên cạnh đó có trường không có ứng viên nào hoặc ít ứng viên đăng ký dự tuyển (thường trường thuộc vùng khó khăn hoặc nơi ứng viên không mong muốn dự tuyển vào). Điều này dẫn đến kết quả tuyển dụng “ảo”, thừa thiếu cục bộ trong tuyển dụng.
Thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định thường phải kéo dài qua nhiều khâu để nhận được quyết định tuyển dụng chính thức (xác định chỉ tiêu tuyển dụng, thời gian thu nhận hồ sơ dự tuyển, tổ chức sát hạch, sau trúng tuyển ứng viên phải làm lý lịch tư pháp), quy trình thường kéo dài trung bình 3 tháng trở lên; khó đáp ứng được yêu cầu có giáo viên mới vào đầu năm học của các trường.
Bên cạnh khó khăn trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhân sự cũng có vướng mắc.
Tỉnh đang trong giai đoạn sáp nhập, sắp xếp lại trường lớp. Sau sáp nhập dự kiến sẽ có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư nhưng huyện lại chưa thể sắp xếp ngay được và phát sinh nhu cầu điều sang huyện khác. Tuy nhiên, giáo viên từ huyện này điều sang huyện khác gặp khó khăn (chưa có phân cấp cụ thể việc này, khó khăn trong lựa chọn giáo viên điều động đi nơi khác - do đa số đã ổn định nơi công tác, sinh sống).
Khi điều động công tác, đi học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng… gặp vướng mắc trong công tác tài chính, bố trí giáo viên dạy thay, thanh toán tiền công tác phí cho các cá nhân liên quan,…
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS là nền tảng quan trọng cho nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học tiếp theo. Tuy nhiên, chuyên môn các cấp học này do sở GD&ĐT chỉ đạo trong khi đó nguồn lực gồm: Đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất thì do UBND cấp huyện quản lý. Sở GD&ĐT muốn phát triển nâng cao chất lượng giáo dục nhưng không nắm được nguồn lực thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục.
- Những quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo đã thực sự giải quyết được khó khăn, vướng mắc này chưa? Bà còn góp ý gì cho nội dung này trong dự thảo Luật?
- Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo. Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh những chính sách, lợi ích đem lại cho nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo cũng cần đồng thời yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới. Quy định cụ thể, đầy đủ hơn những vấn đề về bồi dưỡng nhà giáo, trong đó có năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho nhà giáo, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện tại và tương lai của ngành Giáo dục.
Tuyển dụng đáp ứng đặc thù nghề nghiệp
- Theo bà, có phù hợp nếu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo bằng việc điều chỉnh quy định về tuyển dụng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng hàm lượng chuyên môn (bắt buộc phải có thực hành sư phạm và các yêu cầu tuyển dụng gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo)?
- Quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo Luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác.
Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.
Dự thảo cũng quy định chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng và quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng.
Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.
Để đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng, đối với một số vị trí/môn (tính theo đơn vị trường) có số ứng viên ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng thì được xem xét tuyển thẳng không qua sát hạch chuyên môn (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn). Trong thời gian tập sự (12 tháng), đơn vị/trường sử dụng tiếp tục kiểm tra khả năng sư phạm của người tập sự, nếu đạt yêu cầu thì bổ nhiệm chính thức vào làm giáo viên.
- Các quyền về hoạt động nghề nghiệp cùng đó là những yêu cầu về đạo đức cần được luật hóa thế nào để tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển, theo bà?
- Các quyền về hoạt động nghề nghiệp cần được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Vì đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà cả người học. Nếu nhà giáo sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.
Đạo đức nhà giáo là những chuẩn mực, quy tắc được hình thành trong lịch sử, lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội và quan hệ thầy trò. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo thể hiện trong hành vi, ứng xử, thái độ của nhà giáo khi thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về đạo đức, nghề nghiệp nhà giáo còn tản mạn, xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo trong Luật Nhà giáo, sau đó cụ thể hóa bằng nghị định của Chính phủ hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cần quy định bởi luật riêng
- Theo bà, có những đặc điểm hoạt động nghề nghiệp đặc thù nào của nhà giáo khác với ngành/lĩnh vực khác?
- Trong các luật hiện nay, 3 luật có nhiều quy định tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà giáo là: Luật Viên chức, Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Trong đó, Luật Viên chức quy định những vấn đề chung về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức. Luật Giáo dục quy định toàn diện các vấn đề về hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có nhà giáo.
Luật Giáo dục có tính chất của một luật khung nên các quy định về nhà giáo chưa đầy đủ và toàn diện, nhất là về phương diện tuyển dụng, sử dụng, quản lý. Bộ luật Lao động quy định các chế tài quản lý người lao động. Do đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được chế tài chủ yếu từ góc độ lao động hợp đồng; chế tài quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với các tiêu chuẩn, yêu cầu đáp ứng hoạt động nghề nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập.
Bên cạnh đó, vì nhà giáo trong cơ sở công lập hiện là viên chức giống như viên chức các ngành, lĩnh vực khác nên khi cần có những chế tài riêng mang tính đột phá để phát triển đội ngũ sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ thực hiện thông qua Luật Viên chức.
Do đó, với việc ban hành Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số cơ chế đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lực lượng vũ trang, trường trong hệ thống các cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể sẽ có những chế tài chung để quản lý, phát triển, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, bình đẳng trên một số phương diện và vẫn đảm bảo tính đặc thù riêng.
Bằng việc ban hành Luật Nhà giáo, một số bất cập trong quản lý Nhà nước về đội ngũ hiện nay sẽ được tháo gỡ (như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đối với các cấp học mầm non, phổ thông diễn ra nhiều năm nay, những bất cập đối với công tác quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập...).
Chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ đồng bộ trong toàn hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất. Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ được tính toán nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển.
Cụ thể, ngoài lương cơ bản, phụ cấp cao nhất như Kết luận 91/2024-KL/TW đã nêu thì có thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành Giáo dục, thu hút người có tâm huyết đến công tác ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo; quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo cấp học mầm non, nhà giáo có trình độ cao...
Gia tăng chính sách đãi ngộ
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về việc cần có quy định như thế nào về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp?
- Tại dự thảo Luật Nhà giáo, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác. Cụ thể:
Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập như sau: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, vùng.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo người dân tộc thiểu số và ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương, các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.
Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
Một số chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo đang thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại văn bản dưới luật được đưa vào dự thảo luật nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo tính ổn định trong chính sách đối với nhà giáo.
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo tại cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
- Trân trọng cảm ơn bà!