Tin nổi bật: Trung Quốc trở thành nước nhập thủy sản lớn nhất | Hơn 5 tỉ đô la kiều hối về TPHCM trong nửa đầu năm 2025
Thông tin Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc hôm nay (17-7).
Một số tin tức khác cũng gây chú ý như kiều hối chuyển về TPHCM đạt 5,23 tỉ đô la Mỹ; doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với mặt hàng gia vị; việc nâng cấp sân bay Liên Khương được đề xuất lùi sang năm sau.
Gia vị gặp khó trong việc xin giấy chứng nhận xuất khẩu
Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã gửi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường về những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.
Từ ngày 1-7, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12 ngày 19-6 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Quá trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bị chậm trễ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.
Trung Quốc trở thành nước nhập thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh
Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 45% so với cùng kỳ. Cùng thời gian nay, Mỹ nhập khẩu khoảng 905 triệu đô la thủy sản từ Việt Nam, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Theo VASEP, Trung Quốc ngày càng siết tiêu chuẩn chất lượng nhưng chính sách thương mại ổn định hơn đã giúp doanh nghiệp dễ lên kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng dài hạn. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 4,4 tỉ đô la, tăng gần 7% so với cùng kỳ 2024.
Hơn 5 tỉ đô la kiều hối về TPHCM trong nửa đầu năm 2025
Theo Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, kiều hối chuyển về TPHCM qua các tổ chức tín dụng và kinh tế trong quí 2 đạt gần 2,82 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,9% so với quí trước và hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kiều hối gửi về TPHCM đạt 5,23 tỉ đô la Mỹ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy dòng kiều hối vẫn duy trì ổn định. Các tỉnh Đông Nam bộ cũ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước cũng ghi nhận kiều hối tăng tích cực, với tổng giá trị hơn 127,5 triệu đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2025.
Đáng chú ý, xét theo thị trường thì châu Phi ghi nhận mức tăng kiều hối cao nhất về TPHCM với hơn 130% so với cùng kỳ, tiếp theo là châu Âu (16%), châu Mỹ (11,9%) và châu Đại Dương (8,9%). Châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, chủ yếu nhờ lượng chuyển tiền từ các thị trường có nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đề xuất lùi thời gian nâng cấp sân bay Liên Khương sang năm sau

Tỉnh Lâm Đồng đề xuất lùi thời gian sửa chữa sân bay Liên Khương sang năm sau. Ảnh: ACV
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vừa có buổi làm việc với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) về kế hoạch sửa chữa và nâng cấp sân bay Liên Khương. Việc nâng cấp sân bay có tổng mức đầu tư cho dự án nâng cấp dự kiến là 3.700 tỉ đồng.
Kế hoạch nâng cấp được dự kiến bắt đầu từ tháng 11, kéo dài trong 6 tháng. Tuy nhiên, phía tỉnh Lâm Đồng lo ngại việc đóng cửa sân bay vào cuối năm sẽ ảnh hưởng đến du lịch và kinh tế nên đề xuất lùi thời gian sửa chữa sang năm sau. ACV cho biết sẽ xem xét phương án duy trì khai thác đến hết năm 2025 và bắt đầu thi công từ tháng 3-2026.
Theo quy hoạch sân bay Liên Khương được phát triển đạt cấp 4E, cấp cao nhất hiện nay tại Việt Nam, với công suất 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm vào năm 2030. Tuy nhiên, hạ tầng sân bay đang xuống cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.