Tin nổi bật: Lên phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM; Kiều hối chuyển về TPHCM tăng mạnh; Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỉ đồng
Trong hôm nay (18-4), những thông tin về phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM, giá vàng vọt lên 120 triệu đồng/lượng, Bybit - sàn giao dịch điện tử lớn thứ 2 thế giới, muốn hợp tác với Việt Nam xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa… đang là tin tức kinh tế trong và ngoài nước đáng chú ý.
Lên phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM

UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu. Ảnh: Minh Hoàng
UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu để tạo tuyến giao thông liên vùng thuận lợi hơn. Điểm đầu dự án dự kiến nằm trên đường Nguyễn Thị Định (TPHCM), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m. Điểm cuối kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khoảng Km 33.
Tổng chiều dài phần đường và cầu là hơn 11km, quy mô đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang cầu 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Dự án cầu Cát Lái được chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm giải phóng mặt bằng ở cả hai phía, xây cầu và xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí đến cuối tuyến.
Về nguồn vốn, Đồng Nai đề xuất đầu tư công cho giải phóng mặt bằng và phần đường nối (trên 10.000 tỉ đồng) và đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) cho phần cầu (trên 9.000 tỉ đồng).
Quí 1-2025, kiều hối chuyển về TPHCM tăng 19,6% so với quí trước
Trong quí 1-2025, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt hơn 2,4 tỉ đô la Mỹ. Con số này tương đương 25,3% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quí liền kề trước đó.
So với quí 1 các năm trước, lượng kiều hối đang thấp hơn quí 1-2024 là 2,89 tỉ đô la nhưng vẫn cao hơn quí 1-2023 và quí 1-2022.
Đáng chú ý, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (48,7%) và có mức tăng trưởng mạnh nhất (46,1%) so với quí trước.
Năm 2024, kiều hối về TPHCM đạt kỷ lục khoảng 9,6 tỉ đô la, tăng 0,9% so với năm 2023, trong đó châu Á và châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất (82,2%).
Giá vàng tăng lên 120 triệu đồng/lượng

Khách hàng xếp hàng đợi mua vàng. Ảnh: Tuyết Hồng
Giá vàng miếng SJC tiếp tục đà tăng mạnh, đạt mức 120 triệu đồng/lượng vào sáng 18-4. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng được niêm yết ở mức 117 - 120 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng ở chiều mua và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm trước.
So với giá đóng cửa của tuần trước, giá vàng miếng đã tăng 13,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Nếu so với đầu năm thì mỗi lượng vàng đã tăng gần 36 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại SJC và PNJ được niêm yết ở mức 114-117 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với hôm trước.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên 17-4, xuống 3.326,51 đô la Mỹ/ounce sau khi chạm mức cao kỷ lục 3.357,4 đô la/ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 105,4 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện lên hơn 14,5 triệu đồng một lượng.
Nợ xấu ngân hàng đang tăng nhanh, vượt 1 triệu tỉ đồng
Ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Thông tin tại đây, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang tăng nhanh, đạt mức 1,064 triệu tỉ đồng tính đến hết tháng 2-2025. Đáng lo ngại là nợ xấu tiếp tục tăng, với 34.000 tỉ đồng tăng thêm chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025.
Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỉ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro, và chỉ có 10.000 tỉ đồng là do khách hàng tự trả. Nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và giảm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ ngân hàng hiện chỉ khoảng 36%, phần còn lại là nợ thi hành án. Việc thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, có những khoản nợ mất vài ba năm mới thu được, thậm chí có nhiều tài sản đảm bảo không thể xử lý do các yếu tố như có người già, trẻ nhỏ sinh sống hoặc đang có tranh chấp.
Bybit muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa

Việt Nam là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có vị thế ngày càng rõ nét trên bản đồ tài sản mã hóa toàn cầu. Ảnh: TL
Ông Ben Zhou, nhà đồng sáng lập Công ty TNHH Bybit Technology (Bybit), sàn giao dịch điện tử lớn thứ 2 thế giới, đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Trong đó, ông mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý và triển khai mô hình sàn giao dịch tài sản mã hóa.
Đại diện Bybit cho biết, công ty đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam và mong muốn đầu tư cũng như hỗ trợ xây dựng khung pháp lý do Việt Nam có cộng đồng phát triển blockchain năng động, đội ngũ lập trình viên chất lượng và nhà đầu tư có tinh thần học hỏi cao.
Bybit đã xây dựng hệ thống kiểm soát phòng chống rửa tiền, phát triển các công cụ giám sát giao dịch và hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để theo dõi các luồng tiền bất hợp pháp. Ông Ben Zhou nhấn mạnh rằng những kinh nghiệm và công cụ này có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy trình pháp lý hiệu quả cho tài sản mã hóa.
Việt Nam là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có vị thế ngày càng rõ nét trên bản đồ tài sản mã hóa toàn cầu. Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia có số lượng người tham gia giao dịch tài sản mã hóa cao nhất thế giới.
Bybit có trụ sở tại Dubai và thành lập năm 2018, đã đăng ký hoạt động tại nhiều quốc gia, bao gồm các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á như Hồng Kông, Singapore và Malaysia.