Tín hiệu từ thỏa thuận khoáng sản chiến lược Mỹ - Ukraine
Rạng sáng 1/5 (giờ Việt Nam), tức ngày 30/4 (giờ địa phương), tại Nhà Trắng, Mỹ và Ukraine đã ký kết thỏa thuận cho phép Washington được quyền ưu tiên tiếp cận các hợp đồng khoáng sản mới của Ukraine và hỗ trợ tái thiết quốc gia này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh, thỏa thuận là lời cam kết hợp tác chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia, đồng thời truyền tới Nga một thông điệp rằng Washington ủng hộ một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng.
Sau khoảng 2 tháng bị trì hoãn kể từ màn đấu khẩu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky hồi cuối tháng 2 tại Phòng Bầu dục (Nhà Trắng), Washington và Kiev cuối cùng đã đi tới ký kết thỏa thuận chiến lược về khoáng sản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu trong lễ ký kết: "Chúng tôi không đến Ukraine để chiếm tài nguyên, mà để đầu tư vào một tương lai chung, nơi an ninh năng lượng và ổn định toàn cầu được đặt lên hàng đầu. Cả Mỹ và chính phủ Ukraine đều mong muốn nhanh chóng đưa quan hệ đối tác kinh tế mang tính lịch sử này đi vào hoạt động, vì lợi ích của người dân hai nước".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Yulia Svyrydenko - trưởng phái đoàn Ukraine tới Mỹ ký kết thỏa thuận chia sẻ: "Chúng tôi đã đàm phán kỹ lưỡng để đảm bảo mọi điều khoản trong thỏa thuận tôn trọng chủ quyền, đồng thời tạo điều kiện cho nền kinh tế Ukraine phục hồi và tăng trưởng bền vững".
Theo thông cáo chung được công bố, các điều khoản đáng chú ý của thỏa thuận bao gồm việc thiết lập Quỹ Đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine nhằm huy động đầu tư tư nhân và hỗ trợ tái thiết hạ tầng và công nghiệp nặng ở Ukraine.

Mỹ và Ukraine đạt thỏa thuận khoáng sản chiến lược hôm 30/4. Nguồn: X/@Svyrydenko_Y
Cụ thể, Mỹ được phép tiếp cận và đầu tư vào khai thác các tài nguyên quan trọng tại Ukraine như lithium, đất hiếm, titanium, mangan và uranium - những khoáng chất thiết yếu cho xe điện, pin, và công nghệ quốc phòng. Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát với khoáng sản dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên, có trách nhiệm đóng góp 50% doanh thu khai thác vào quỹ chung và phần còn lại dùng cho ngân sách quốc gia, với cam kết tái đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.
Thỏa thuận không tạo ra nghĩa vụ nợ cho Ukraine, tránh được áp lực tài chính lâu dài vốn là vấn đề nhạy cảm đối với Kiev. Việc thành lập quỹ tái thiết cũng không gây trở ngại tới tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Kiev. Dù thỏa thuận không mang đến bảo đảm an ninh cụ thể cho Ukraine nhưng Mỹ khẳng định liên kết chiến lược dài hạn nhằm nỗ lực tái thiết Ukraine, giúp nước này phát triển kinh tế, hội nhập với các khuôn khổ kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, thỏa thuận cũng không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Nga đang kiểm soát. Các quan chức Mỹ trước đây đã đề xuất nắm quyền kiểm soát cơ sở này như một phần của thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Ngay sau lễ ký kết, trên trang mạng xã hội X, Tổng thống Ukraine Zelensky gọi thỏa thuận là một bước đi chiến lược nhằm giúp Ukraine độc lập về kinh tế, giảm phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, và vươn lên mạnh mẽ từ đống đổ nát của chiến tranh. Về phần mình, Tổng thống Trump nêu rõ hai bên đã đạt được thỏa thuận và về mặt lý thuyết thì Washington có thể nhận về hơn 350 tỷ USD - con số mà ông cho rằng Mỹ đã chi để viện trợ Kiev trong hơn 3 năm xung đột, vượt xa những gì các quan chức và chuyên gia ước tính.
Theo Ukraine nước này nắm giữ khoảng 5% trữ lượng khoáng sản quan trọng của thế giới, được sử dụng trong sản xuất đồ điện tử, xe điện và khí tài quân sự. Các mỏ của Ukraine bao gồm trữ lượng của 22/34 loại khoáng sản được EU phân loại là trọng yếu. Giới quan sát đánh giá, thỏa thuận được coi là trọng tâm trong nỗ lực của chính quyền ông Zelensky trong việc điều chỉnh mối quan hệ với ông Trump và Nhà Trắng. Thỏa thuận sẽ mang lại cơ hội chiến lược để Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm và khoáng sản thiết yếu.
Tuy vậy, Ukraine cần thiết lập các cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo minh bạch trong kiểm soát tài nguyên và tiếp tục đàm phán để đạt các đảm bảo an ninh cụ thể hơn. Financial Times dẫn quan điểm của một số nhà phân tích châu Âu nhận định, EU có thể sẽ lo ngại khi Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, làm suy yếu vai trò của khối trong khu vực. Trước đó, EU đã đề xuất một thỏa thuận khoáng sản riêng với Ukraine, theo tinh thần đôi bên cùng có lợi và không yêu cầu chia sẻ lợi nhuận bất bình đẳng. EU có thể mất cơ hội tiếp cận trực tiếp các mỏ Ukraine nếu Mỹ chiếm ưu thế, nhưng cũng được lợi nếu thỏa thuận góp phần ổn định khu vực.
Được biết, trong cuộc phỏng vấn với NewsNation qua điện thoại hôm 30/4 (giờ địa phương), khi được hỏi liệu thỏa thuận sẽ cản trở chiến sự của Nga ở Ukraine hay không, ông Trump trả lời: "Có thể". Bộ Tài chính Mỹ dẫn phát biểu của Bộ trưởng Scott Bessent thì nhấn mạnh, thỏa thuận được ký kết gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình dựa trên nền tảng một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhấn mạnh, thỏa thuận có lợi cho cả hai quốc gia, thêm rằng sự hiện diện của Mỹ tại đây cũng sẽ tăng cường an ninh với Ukraine. Bà Bruce đồng thời lưu ý thỏa thuận tách biệt với cuộc xung đột đang diễn ra và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga, nhưng cho biết công việc đàm phán đang tiến triển, Moscow và Kiev dự kiến sẽ đệ trình các đề xuất trong vài ngày tới.