Hệ lụy đằng sau việc cố vấn an ninh quốc gia Mỹ bị cách chức
Việc sa thải cố vấn Mike Waltz đánh dấu một tháng đầy sóng gió về nhân sự trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump
Từ ngày 1-4, ít nhất 20 người ở Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) bị đuổi việc, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia bị cách chức và 3 quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc cũng bị buộc rời đi.
Các vụ sa thải này khiến tinh thần làm việc ở một số bộ phận an ninh quốc gia xuống thấp, theo lời một số quan chức trong hoặc gần gũi chính quyền Mỹ. Một số nơi thiếu người có chuyên môn về an ninh quốc gia và việc tìm người tài giỏi để thay thế cũng rất khó khăn.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz. Ảnh: Bloomberg
NSC là cơ quan chính giúp tổng thống Mỹ điều phối chiến lược an ninh. Đội ngũ của họ thường đưa ra các quyết định quan trọng về cách Mỹ xử lý các cuộc xung đột bất ổn nhất trên thế giới.
Ông Waltz bị đổ lỗi vì vô tình đưa tổng biên tập tạp chí The Atlantic vào một nhóm chat riêng, trong đó thảo luận chi tiết về chiến dịch ném bom của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen. Sau đó, The Atlantic đã đưa tin về các cuộc thảo luận nội bộ này.
Trong một cuộc họp nội các sau đó có cố vấn Waltz tham dự, Tổng thống Donald Trump bày tỏ ông muốn các cuộc trò chuyện như vậy diễn ra ở nơi an toàn, cho thấy ông không hài lòng.
Tuy nhiên, lúc đó ông Donald Trump và những người khác ở Nhà Trắng vẫn công khai nói rằng họ tin tưởng ông Waltz.
Ông Trump cũng thể hiện sự tin tưởng vào Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, dù Lầu Năm Góc đang bất ổn ở các cấp cao và ông Hegseth dính líu vụ tranh cãi về ứng dụng nhắn tin Signal.
NSC, nơi ông Waltz rời khỏi, đã bị giảm nhân sự đáng kể do các vụ sa thải gần đây. Mọi chuyện bắt đầu từ một tháng trước, khi bà Laura Loomer, một nhà lý luận âm mưu cánh hữu, đưa cho ông Donald Trump danh sách những người trong NSC mà bà cho là không trung thành tại một cuộc họp ở Nhà Trắng. Sau cuộc họp đó, 4 giám đốc cấp cao bị sa thải.
Bốn giám đốc này, phụ trách các mảng tình báo, công nghệ, tổ chức quốc tế và vấn đề lập pháp, đều là những người có kinh nghiệm lâu năm về chính sách bảo thủ và không có dấu hiệu chống đối ông Donald Trump. Theo hai nguồn thạo tin, điều này khiến đồng nghiệp của họ ngạc nhiên.
Theo hai nguồn tin này, một số nhân viên NSC không hài lòng vì ông Waltz không bảo vệ nhân viên của mình mạnh mẽ hơn. Kể từ đó, hơn 20 nhân viên NSC khác, với nhiều vị trí khác nhau, cũng bị sa thải, thường là không được thông báo trước.
Vụ việc Signal không phải là điều duy nhất khiến ông Donald Trump không hài lòng với ông Waltz.
Một nguồn thạo tin cho biết ông Waltz có quan điểm quá hiếu chiến trong khi ông Donald Trump không thích xung đột. Ông Waltz cũng bị cho là không điều phối chính sách đối ngoại hiệu quả giữa các cơ quan - một vai trò quan trọng của cố vấn an ninh quốc gia.
Theo một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên tại Washington, việc ông Waltz bị cách chức có thể gây lo ngại cho các đối tác của Mỹ ở châu Âu và châu Á, những người xem ông là người ủng hộ các liên minh truyền thống như NATO và có quan điểm ôn hòa hơn đối với liên minh này so với một số phụ tá khác của ông Donald Trump.