Tín hiệu trái ngược về lạm phát 'làm khó' chính quyền mới của ông Trump?
Những thông số trái ngược về lạm phát của Chính phủ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể làm phức tạp thêm triển vọng kinh tế của nước này đối với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo dữ liệu mới được chính phủ Mỹ công bố hôm 27/11, tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng với tốc độ lành mạnh là 2,8% trong quý 3 năm nay, trùng khớp với đánh giá ban đầu được công bố tháng trước. Sự gia tăng này được thúc đẩy bới chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, ngay cả khi đa số người dân nước này vẫn cảm thấy khó khăn vì vật giá tăng cao.
Tuy nhiên, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một chỉ số quan trọng để đánh giá lạm phát tại Mỹ, cũng tăng với tỷ lệ 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10, nếu khấu trừ chi tiêu cho thực phẩm và năng lượng không ổn định.
Điều đó thể hiện xu hướng lạm phát tại Mỹ tăng trở lại sau một thời gian suy giảm. Được biết, PCE của nước này chỉ tăng 2,3% vào tháng 8 và thậm chí mức tăng còn giảm xuống 2,1% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu khác từ Fed
Trong khi đó, biên bản cuộc họp gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), được công bố ngày 26/11, lại cho thấy giới chức cơ quan này dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Biên bản cho biết nếu lạm phát duy trì xu hướng giảm ổn định xuống mức mục tiêu 2% và thị trường lao động được duy trì ở mức tối đa, Fed có thể từng bước chuyển sang một chính sách tiền tệ trung lập hơn. Tuy nhiên, các thành viên Fed cũng lưu ý rằng lãi suất ở mức trung lập - tức không kích thích cũng như không làm chậm tăng trưởng kinh tế - vẫn chưa được xác định. Điều này khiến họ thận trọng hơn trong việc điều chỉnh chính sách.
Tháng 12 tới, giới chức Fed sẽ quyết định xem có nên cắt giảm lãi suất lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng trong năm nay hay không. Theo nền tảng theo dõi FedWatch của tập đoàn CME, Phố Wall phần lớn đang đặt cược vào một đợt cắt giảm 0,25% lãi suất tiếp theo, tương tự những gì đã xảy ra đầu tháng 11, song khoảng 1/3 giới đầu tư tại Mỹ nhận định sẽ không có thay đổi nào.
Dù vậy, biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cho thấy sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa, và các nhà điều hành cơ quan này vẫn tự tin rằng họ có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
"Thế khó" cho chính quyền mới
Các ghi nhận trái chiều xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump đang trong quá trình hoàn thiện đội ngũ kinh tế hàng đầu của mình. Kevin Hassett – cựu cố vấn kinh tế của ông Trump ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, sẽ điều hành Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Trong khi đó, luật sư thương mại Jamieson Greer sẽ trở thành Đại diện thương mại Mỹ tiếp theo.
Ngoài ra, ông Trump cũng chọn các gương mặt được xem là “thân thiện với thị trường” vào nội các mới, như tỷ phú Scott Bessent sẽ trở thành lãnh đạo mới của Bộ Tài chính, và doanh nhân Howard Lutnick sẽ là Bộ trưởng Thương mại tương lai.
"Đội ngũ kinh tế của Tổng thống đắc cử Trump thực dụng hơn so với các lựa chọn chính sách đối ngoại của ông”, Chủ tịch Ian Bremmer của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group viết trong một lưu ý gửi tới các khách hàng. “Tuy nhiên, do sự đa dạng của thành phần đội ngũ và tính phức tạp của các chính sách hiện tại, sẽ mất thời gian để điều phối một chiến lược nào đó".
Các dữ liệu mới được công bố có thể làm phức tạp thêm triển vọng kinh tế của nước Mỹ đối với chính quyền mới. Tổng thống đắc cử Trump từng cam kết tăng thuế nhập khẩu và trục xuất những người lao động không có giấy tờ ngay sau khi nhậm chức. Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng những chính sách đó sẽ khiến lạm phát tiếp tục tăng.
Ngoài ra, việc tái đắc cử của ông Trump có thể làm phức tạp thêm lộ trình của Fed, vì các chính sách của ông có thể gây ra lạm phát. Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây, Chủ tịch Jerome Powell đã bác bỏ ý tưởng rằng chính quyền mới nên gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Fed: "Chúng tôi không biết thời gian và nội dung của bất kỳ thay đổi chính sách nào. Do đó, chúng tôi không biết tác động của chúng đối với nền kinh tế sẽ ra sao".