Tín hiệu tích cực từ hoạt động doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư
Tín hiệu tích cực trong đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động những tháng đầu năm, cũng như những đột phá trong cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc góp phần gia tăng niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu vào môi trường sản xuất, kinh doanh và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp và triển vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới… (Ảnh: VGP)
Ngày 6/5/2025, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.
Mỗi tháng có gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những tín hiệu tích cực trong đăng ký doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, thông qua các số liệu, có thể khẳng định tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025 đang có dấu hiệu hết sức tích cực.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 6/5/2025, trong tháng 4, cả nước có hơn 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 133,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 127,6 nghìn lao động, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,8% về số vốn đăng ký và tăng 45,8% về số lao động so với tháng 3/2025. So với cùng kỳ năm trước, tăng 7,4% về số doanh nghiệp, giảm 23,5% về số vốn đăng ký và tăng 51,5% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 đạt 8,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 9,0 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 51,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 490,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 355,8 nghìn lao động, giảm 0,9% về số doanh nghiệp, giảm 6,9% về số vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 9,5 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay là 1.794,4 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, cả nước có 38,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29,0% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong bốn tháng đầu năm 2025 lên hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ra một số lý do về việc số lượng đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng trưởng mạnh trong quý I/2025:
Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế Việt Nam tốt hơn. Nền kinh tế ngày càng được củng cố và nâng cao, thể hiện qua các kết quả, đặc biệt qua công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, niềm tin này cũng chịu tác động từ quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, sắp tới đây là Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Qua đó có thể thấy công tác đổi mới về thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cởi mở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện đang vướng mắc. Điều này rất quan trọng vì các dự án đang chờ các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tiếp tục hoạt động. Các nhà đầu tư mới, các dự án lớn đang có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các quyết sách của Đảng và Nhà nước như quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và định hướng trong những năm tới tăng trưởng hai con số, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, một loạt giải pháp, chính sách có thể củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ tư, gần đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng, thể hiện chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
Gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán
Thông tin về triển vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương khẳng định việc nâng hạng thị trường chứng khoán hiện đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng cũng như định hướng chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam đến năm 2030, thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm đạt được các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng và nhận được những đánh giá tốt của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng cường sự ủng hộ của nhóm đối tượng này cho việc nâng hạng:
Thứ nhất, triển khai Hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam (Hệ thống KRX) như tính năng mới về giao dịch thanh toán, đưa vào một số giải pháp phòng ngừa rủi ro cho một số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài… Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các sở giao dịch, các đơn vị chức năng triển khai hệ thống KRX vào tháng 5/2025. Đồng thời ngày 26/4/2025, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số quy định chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống KRX đáp ứng một số đề xuất theo yêu cầu của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell và một số nhà đầu tư lớn là khi triển khai cơ chế, không yêu cầu nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài có đủ 100% tiền như hiện nay.

Thị trường hiện kỳ vọng FTSE Russell sẽ có đánh giá tích cực về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Thứ hai, rà soát để sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ các công ty đại chúng được hoàn tất tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư gián tiếp.
Thứ tư, nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu đáp ứng các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó có đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan.
Thứ năm, tăng cung hàng hóa, đồng thời phát triển sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu, phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh các bộ chỉ số đầu tư hiện nay để làm cơ sở hoạt động cho các quỹ đầu tư…
Thứ sáu, thành lập nhóm đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng… để đẩy nhanh tiến độ cho quá trình nâng hạng thị trường.