Tín hiệu đổi chủ tại Chứng khoán APG
Trong khi Chủ tịch HĐQT công ty dần bán bớt cổ phiếu thì một quỹ đầu tư ngoại mới xuất hiện đang liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán APG.
Quỹ đầu tư Pando I Investment Pte.Ltd từ Singapore vừa đăng ký mua vào 40 triệu cổ phiếu APG của CTCP Chứng khoán APG trong khoảng thời gian từ ngày 20/05 - 18/6/2025.
Giao dịch dự kiến được thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Hiện Pando I Investment đang sở hữu 11,74 triệu cổ phiếu APG, tương đương 5,25% vốn công ty chứng khoán này. Nếu mua đủ số cổ phần đã đăng ký, tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư này sẽ tăng lên 23,14%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT APG lại ngược chiều đăng ký bán ra 6 triệu cổ phiếu cùng trong khoảng thời gian trên. Sau giao dịch, số cổ phần của ông Hồ Hưng sẽ chỉ còn 783.803 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 3,03% xuống còn 0,35%.
Trên thực tế, Pando I Investment mới xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của APG hồi giữa tháng 4/2025. Ngày 14/4, thông qua việc mua thêm 850.400 cổ phiếu APG, tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư này tăng quá 5% và giao dịch được báo cáo, trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Đây cũng là cổ đông lớn duy nhất của APG hiện tại.
Pando I Investment xuất hiện trong giai đoạn cổ phiếu APG được điều chỉnh.

Diễn biến cổ phiếu APG.
Từ giữa tháng 10/2024, cổ phiếu APG giảm xuống dưới mệnh giá và bắt đầu lao dốc vào nửa cuối tháng 11/2024. Lúc này, APG đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, như việc ông Nguyễn Hồ Hưng bán bớt cổ phiếu và nhất là thông tin công ty đóng toàn bộ chi nhánh, phòng giao dịch, đồng thời thoái vốn khỏi Ladophar và GKM Holdings, sau đó là thông tin bị xử phạt do vi phạm hàng loạt trong hoạt động chứng khoán.
Cộng hưởng với việc thua lỗ trước đó, APG nhiều phiên giảm sàn đưa thị giá về thấp nhất chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đột ngột tăng mạnh. Cổ phiếu này bắt đầu hồi phục từ đầu tháng 2/2025 và đến nay, thị giá đã vượt qua mốc 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vùng giá hồi tháng 8/2024. Trong phiên giao dịch thỏa thuận ngày 14/4, giá cổ phiếu mà Pando I Investment mua vào là khoảng 8.900 đồng/cổ phần, thấp hơn 10% giá thị trường.
Từ khi Pando I Investment nổi lên ở APG và đến nay là nhu cầu tăng mạnh tỷ lệ sở hữu, nhiều kế hoạch tại APG đã thay đổi.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, Pando I Investment bắt đầu đưa nhân sự vào HĐQT APG. Cụ thể, ngày 25/4/2025, ĐHĐCĐ của APG cũng đã thống nhất cho 2 thành viên HĐQT của APG là ông Võ Quí Lâm và ông Trần Thiên Hà từ nhiệm, thay vào đó là ông Ong Tee Chun, Giám đốc Pando I Investment. Ngoài ra, lý lịch của ông Ong Tee Chun còn cho thấy, hiện ông Ong Tee Chun còn là Giám đốc phát triển kinh doanh tại Reed Capital Partners - một công ty quản lý tài sản tại Singapore.
Đồng thời, nhiều kế hoạch mới cũng xuất hiện tại APG.
Đầu tháng 4, APG công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 với kế hoạch kinh doanh 100 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, đến ngày 21/4, APG đã “tiếp nhận kiến nghị của nhóm cổ đông” và thực hiện sửa đổi các tờ trình đại hội, trong đó, kế hoạch kinh doanh năm 2025 được điều chỉnh lên thành 300 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 3 và 4 lần kế hoạch cũ.
Tại cuộc họp thường niên, Phó chủ tịch HĐQT APG - ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết việc điều chỉnh này là bước đầu của quá trình tái cấu trúc. Đồng thời, APG sẽ có đối tác chiến lược đồng hành nên sẽ có lợi thế hơn về nguồn vốn.
Bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, APG còn bổ sung thêm tờ trình huy động vốn 3.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ 1.200 tỷ đồng và trái phiếu riêng lẻ 2.000 tỷ đồng.
Dự kiến 70% nguồn vốn huy động từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ phân bổ cho hoạt động cho vay ký quỹ của công ty. Giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu. Còn vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu cũng sẽ sử dụng để tăng quy mô cho hoạt động ký quỹ, đầu tư vào các giấy tờ có giá và các hoạt động khác.