Tín dụng xanh thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh, bền vững và có giá trị gia tăng cao, mô hình kinh tế tuần hoàn đã trở thành một định hướng chiến lược tất yếu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mô hình này, một trong những rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đang đối mặt chính là vấn đề tiếp cận vốn đầu tư, đặc biệt là vốn tín dụng xanh.
Cần có chính sách tín dụng đặc thù
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được thảo luận và triển khai từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ trong những năm gần đây, nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân mới thực sự có chuyển biến rõ nét. Ông Ngọc cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách và nguồn vốn.
Thực tế, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông hộ, hợp tác xã. Họ thiếu tài sản thế chấp, khó đáp ứng điều kiện tín dụng, trong khi lại phải đối mặt với yêu cầu đầu tư dài hạn, quy mô lớn nếu muốn triển khai sản xuất tuần hoàn, bao gồm xử lý phụ phẩm, tái chế, công nghệ sinh học...
Ông Ngọc nhấn mạnh, việc tiếp cận tài chính, đặc biệt là tín dụng xanh hiện nay là một thách thức rất lớn. Vì vậy rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn một cách thực chất…

Cần có nhiều cơ chế ưu đãi tín dụng xanh
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng rào cản lớn nhất của doanh nghiệp, nông dân khi tiếp cận mô hình nông nghiệp tuần hoàn là vấn đề đất đai và vốn. Trong đó, thủ tục vay vốn phức tạp, yêu cầu tài sản đảm bảo cao, tín dụng theo chuỗi chưa phổ biến và cơ chế bảo hiểm rủi ro còn thiếu khiến khả năng hấp thụ vốn bị hạn chế đáng kể. Đáng lưu ý, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vốn phổ biến trong nông nghiệp Việt Nam, càng làm giảm hiệu quả sản xuất, gây lãng phí tài nguyên và khó tạo điều kiện để hình thành các chuỗi giá trị khép kín, quy mô lớn. Người tiêu dùng chưa tin tưởng sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp thì thiếu động lực đầu tư khi không có cơ chế hỗ trợ dài hạn.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn này, Phó Chủ tịch VCCI đề xuất Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tiếp cận đất đai, tín dụng và tài nguyên. Một giải pháp đáng chú ý là thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất – thu mua giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với hợp tác xã và nông dân. Đây là hình thức cho vay ba bên giữa ngân hàng – doanh nghiệp – người sản xuất, không phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản đảm bảo truyền thống mà dựa trên dòng tiền và uy tín của hợp đồng thương mại.
Ngoài ra, cần có cơ chế ưu đãi tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, phát triển bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung. Những điều này sẽ tạo điều kiện cho các mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển ổn định, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả.
Hiệu quả dòng vốn tín dụng xanh
Trên thực tế, một số tổ chức tín dụng đã tiên phong đi đầu trong hỗ trợ dòng vốn cho nông nghiệp tuần hoàn, nổi bật trong đó là Ngân hàng TMCP Bắc Á. Theo ông Võ Văn Quang – Phó Tổng Giám đốc ngân hàng, ngay từ những ngày đầu thành lập, Bắc Á đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư và phát triển. Tầm nhìn này được hoạch định bởi bà Thái Hương – Tổng Giám đốc, với định hướng xây dựng ngân hàng trở thành định chế tài chính đa năng, hiện đại, cung cấp đầy đủ dịch vụ tín dụng, tài chính và tiền tệ cho nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt chú trọng khu vực nông nghiệp – nông thôn.
Việt Nam là quốc gia có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, với hơn 80% diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp và nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Quang, nông nghiệp nước ta vẫn tồn tại những hạn chế lớn như sản xuất manh mún, thiếu liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Điều đó khiến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lãng phí tài nguyên và ô nhiễm từ sản xuất.
Trước những bất cập đó, Bắc Á Bank đã chủ động triển khai các giải pháp tài chính hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững thông qua tín dụng xanh. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng đã chiếm gần 24% tổng dư nợ toàn hệ thống – con số phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của Bắc Á trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái.

Dự án chăn nuôi và chế biến sữa tập trung qui mô lớn của tập đoàn TH
Một trong những minh chứng rõ nét là việc ngân hàng đã đồng hành và tài trợ nhiều dự án trọng điểm, trong đó nổi bật là chuỗi dự án chăn nuôi và chế biến sữa tập trung quy mô lớn của Tập đoàn TH. Đây là dự án điển hình cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao toàn diện. Để hỗ trợ hiệu quả cho các dự án như trên, Bắc Á không chỉ dừng ở việc cung cấp tín dụng mà còn triển khai mô hình “tư vấn đầu tư – đồng hành chiến lược”. Hội đồng Tư vấn đầu tư của ngân hàng, do bà Thái Hương chủ trì, có nhiệm vụ nghiên cứu xu hướng tiêu dùng toàn cầu, xác định lợi thế vùng miền, môi trường, khí hậu để từ đó hoạch định sản phẩm phù hợp cho từng vùng sản xuất. Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng để tư vấn doanh nghiệp áp dụng đồng bộ. Đặc biệt, ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp được cấp vốn phải xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, hình thành hệ sinh thái sản xuất ổn định, bền vững, có sự tham gia của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ – tạo nên mối liên kết từ vùng nguyên liệu tới đầu ra sản phẩm.
Sau khi lựa chọn được doanh nghiệp phù hợp về chiến lược và tầm nhìn, Bắc Á sẽ ký kết hợp đồng tín dụng, đồng thời cam kết thu xếp đủ nguồn vốn từ trong và ngoài nước, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong suốt vòng đời dự án, ngân hàng thực hiện giám sát tài chính chặt chẽ, kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn đã tư vấn.
Có thể thấy, chuyển đổi mô hình nông nghiệp không chỉ cần sự sẵn sàng của nông dân và quyết tâm của doanh nghiệp, mà hơn hết, cần một hệ thống chính sách tài chính thực sự "xanh", linh hoạt và gắn với thực tiễn – nơi mà từng đồng vốn không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn nuôi dưỡng những giá trị bền vững cho tương lai nông nghiệp Việt Nam.