Tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh
Địa bàn do NHNN Chi nhánh Khu vực 9 quản lý gồm 5 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đây là khu vực có vị trí chiến lược, diện tích tự nhiên hơn 26.518 km²; dân số khoảng 6 triệu người. Đây là khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, dịch vụ và du lịch; Là cửa ngõ kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, khu vực này có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh.
Đẩy mạnh cho vay “xanh”
Năm 2024, quy mô kinh tế khu vực khoảng 546.468 tỷ đồng. Kinh tế các địa phương tăng trưởng khá: Thừa Thiên Huế (8,15%), Đà Nẵng (7,51%), Quảng Nam (7,1%), Quảng Ngãi (4,07%) và Quảng Trị (5,97%). Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, các tỉnh, thành đang hướng đến phát triển bền vững thông qua việc tham gia nhiều chương trình tín dụng xanh.
Bám sát định hướng phát triển xanh của các địa phương, hệ thống các TCTD đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho những lĩnh vực thân thiện với môi trường: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn... Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Nhiều NHTM đi đầu trong triển khai tín dụng xanh như: BIDV cung cấp gói hơn 19.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo, xử lý nước sạch, công nghiệp nhẹ; Agribank triển khai gói 10.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo với lãi suất từ 3,5%/năm; ACB có gói 2.000 tỷ đồng dành cho các ngành thuộc danh mục “xanh”…
Nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ nhiều doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Công ty TNHH Quan Châu (KCN Bắc Chu Lai, Quảng Nam) đầu tư hệ thống điện mặt trời nhờ vay vốn từ BIDV, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giảm chi phí. Tương tự, Công ty CP Giải pháp Công nghệ Tái tạo RTS (Tam Kỳ, Quảng Nam) đã xây dựng nhà máy tái sử dụng nước thải công suất 26.000 m³/ngày - đêm với sự đồng hành của VietinBank Quảng Nam. Đây là một trong những dự án tiên phong về tái sử dụng nước thải công nghiệp tại Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hành trình phát triển bền vững do chi phí đầu tư công nghệ xanh cao. Do đó, tín dụng ưu đãi đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp vượt qua rào cản về vốn, từng bước thích nghi với tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Miền Trung đang nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Tính đến cuối tháng 3/2025, có 30 chi nhánh TCTD tại Khu vực 9 triển khai tín dụng xanh, tổng dư nợ khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ toàn khu vực. Các khoản vay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và sạch (35,51%); Mức lãi suất phổ biến với kỳ hạn ngắn từ 4 - 7%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm. Một số lĩnh vực đặc biệt được áp dụng lãi suất dưới 4%/năm.
Cạnh đó, các ngân hàng cũng cải cách thủ tục hành chính, số hóa quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh. NHNN Chi nhánh Khu vực 9 tích cực kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, đẩy mạnh tài chính xanh.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song quy mô tín dụng xanh hiện vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như bảo vệ môi trường, giao thông xanh, xây dựng bền vững vẫn… chưa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, trong khi nguồn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn.
Một rào cản đáng kể hiện nay là việc thiếu tiêu chí cụ thể để xác định dự án “xanh”. Dù đã có các hướng dẫn chung, song chưa đủ chi tiết để ngân hàng và doanh nghiệp áp dụng thống nhất. Điều này gây khó khăn trong thẩm định, cấp tín dụng và theo dõi hiệu quả các khoản vay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tín dụng xanh hoặc chưa tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, chi phí hoạt động cao làm tăng nguy cơ nợ xấu với các khoản vay xanh.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 9 cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển ngân hàng xanh, thúc đẩy các sản phẩm tài chính xanh và tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ; Đồng thời, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường, ưu tiên công nghệ cao, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay.
Cùng đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về tín dụng xanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để minh bạch hóa và giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo tín dụng xanh thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế bền vững tại khu vực miền Trung và cả nước.