Tín dụng xanh: Động lực phát triển kinh tế xanh Việt Nam

Tín dụng xanh đang trở thành động lực quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế xanh hướng đi tất yếu trong thời đại mới.

Ngày 21-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030” và công bố Sổ tay hướng dẫn Hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng.

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng mạnh mẽ

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia – đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên – không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là con đường ngắn nhất để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, thịnh vượng”.

Theo số liệu của NHNN, tốc độ phát triển của tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm 2017, dư nợ tín dụng xanh mới chỉ đạt khoảng 180.000 tỉ đồng thì đến ngày 31-3-2025, con số này đã vọt lên hơn 704.244 tỉ đồng – tăng 3,57% so với cuối năm 2024 và chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Điều đáng chú ý là tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực then chốt cho chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm trên 37%) và nông nghiệp xanh (hơn 29%). Trong giai đoạn 2017–2024, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 21,2%/năm – vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành.

Tại NHNN Khu vực 2, dư nợ bình quân tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 25.850 tỉ đồng.

Xét cụ thể hơn tại một số ngân hàng ghi nhận tín dụng xanh đang ngày càng mở rộng hơn.

Đơn cử như tại Ngân hàng Quân đội, dư nợ tín dụng xanh từ 45.000 tỉ đồng vào năm 2021 đã bật lên 65.000 tỉ đồng vào cuối năm 2024, cho vay gần 2.800 khách hàng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông lâm nghiệp bền vững. Như vậy, trong giai đoạn từ 2021-2024, tín dụng xanh tại nhà băng này tăng trưởng bình quân khoảng 25%/năm.

 Tín dụng xanh tại Agribank trong 3 tháng đầu năm nay đã đạt 29.300 tỉ đồng. Ảnh: T.L

Tín dụng xanh tại Agribank trong 3 tháng đầu năm nay đã đạt 29.300 tỉ đồng. Ảnh: T.L

Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết thêm: Tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024.

Quý 1-2025, Agribank đã có hơn 41.600 khách hàng được cấp tín dụng xanh và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỉ đồng. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp xanh.

Song song với tăng trưởng dư nợ, công tác quản lý rủi ro môi trường – xã hội cũng có bước phát triển mạnh. Đến cuối tháng 3-2025, đã có 57 tổ chức tín dụng triển khai đánh giá rủi ro môi trường – xã hội cho dư nợ trị giá 3,62 triệu tỉ đồng, với gần 1,3 triệu khoản vay được thẩm định – tăng gấp 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện vào năm 2017.

Đây là minh chứng cho sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các tổ chức tín dụng khi yếu tố môi trường và xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định tín dụng.

Khó khăn để mở rộng tín dụng xanh

Nhận định về một số khó khăn trong việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, đại diện NHNN Khu vực 2 cho biết: Lĩnh vực xanh hiện vẫn còn thiếu khuôn khổ pháp lý.

Bên cạnh đó, các phương án kinh doanh của doanh nghiệp cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, nên các thủ tục vay vốn phức tạp. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, trong khi vốn huy động của các ngân hàng thương mại thường ngắn hạn.

Một điểm bất cập khác mà NHNN Khu vực lưu tâm đó là các dự án xanh luôn được cần ưu tiên trong quá trình vay vốn, nhưng hiện lãi suất cho vay đối với các dự án xanh chưa có sự khác biệt rõ rệt so với các khoản vay khác.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn thiếu đội ngũ nhân viên tư vấn tín dụng được đào tạo chuyên sâu về tín dụng xanh. Thậm chí, nhiều tổ chức tín dụng chưa có đơn vị chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường xã hội.

Đồng quan điểm, từ góc nhìn của ngân hàng tích cực trong việc cấp tín dụng xanh, ông Đoàn Ngọc Lưu cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn: "Chẳng hạn, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc khai thác, thu thập thông tin để đánh giá sự tuân thủ của khách hàng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng vốn vay đúng mục đích xanh. Thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực môi trường và xã hội để triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, xã hội".

"Tiếp đến là các dự án cấp tín dụng xanh hiện nay chủ yếu là các dự án trung dài hạn ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Trong khi đó, việc tiếp nhận nguồn vốn vay, ủy thác từ các tổ chức quốc tế còn nhiều hạn chế do lãi suất cao và điều kiện giải ngân khắt khe. Cộng thêm với khuôn khổ pháp lý để triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững chưa hoàn thiện", ông Lưu nói.

 Dự án xanh thường cần vốn dài hạn, trong khi ngân hàng vốn huy động của ngân hàng lại chủ yếu là ngắn hạn. Ảnh minh họa

Dự án xanh thường cần vốn dài hạn, trong khi ngân hàng vốn huy động của ngân hàng lại chủ yếu là ngắn hạn. Ảnh minh họa

Giải pháp nào để tín dụng xanh lớn mạnh?

Từ thực trạng trên, NHNN Khu vực 2 đã đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, phát huy hơn nữa vai trò của Chính phủ kiến tạo trong phát triển tín dụng xanh.

Thứ hai, thành lập quỹ hỗ trợ tín dụng xanh Quốc gia hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay xanh bằng tái cấp vốn, bảo lãnh rủi ro, đồng tài trợ.

Thứ ba, phát triển thị trường trái phiếu xanh (hoàn thiện khung pháp lý): Khuyến khích các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu xanh để cho vay; Có cơ chế khuyến khích các định chế tài chính, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí v.v… mua trái phiếu xanh (ưu đãi thuế v.v…)

Thứ tư, NHNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh; phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Thứ năm, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của tín dụng xanh.

Thứ sáu, NHNN xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh như (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu).

Thứ bảy, UBND TP.HCM chỉ đạo thành lập Hội doanh nghiệp xanh để kết nối, chia sẻ các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, những vướng mắc cần hỗ trợ, để nắm bắt đồng hành cùng doanh nghiệp và tham mưu cho các cấp, góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch tăng trưởng xanh của Thành phố.

Thứ tám, TCTD đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tài chính xanh cho mọi đối tượng liên quan trong xã hội. Tìm nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Ông Đoàn Ngọc Lưu cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh: Về phía NHNN, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hướng dẫn quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế để các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng hệ thống quản lý rủi ro xã hội phù hợp, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Đồng thời, NHNN cần xây dựng và cập nhật hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ cũng như các vi phạm liên quan đến yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, từ đó tạo cơ sở vững chắc cho các TCTD trong quá trình thẩm định và đánh giá mức độ rủi ro môi trường.

Bên cạnh đó, NHNN nên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách, chiến lược và triển khai các hoạt động tài chính bền vững.

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, ông Lưu nhấn mạnh cần có các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh. Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các TCTD trong việc cho vay lĩnh vực xanh, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn dành cho những ngành nghề có tác động tích cực đến môi trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan ban ngành cũng cần sớm đề xuất ban hành Bộ tiêu chí môi trường, đồng thời xác định rõ các tiêu chí dành cho các dự án được cấp tín dụng xanh.

Cuối cùng, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần xây dựng và triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon nhằm góp phần tăng cường hiệu quả quản lý và phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Một điểm nhấn quan trọng tại sự kiện là lễ công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS). Đây là sản phẩm hợp tác giữa NHNN và IFC, được xây dựng dựa trên các thông lệ quốc tế, nhằm hỗ trợ các TCTD thiết kế, vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tin-dung-xanh-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xanh-viet-nam-post850936.html
Zalo