Tín dụng xanh: Chờ tiêu chí, cơ chế để tăng tốc

Xác định tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu nên nhiều ngân hàng đã chủ động thúc đẩy tín dụng xanh.

Ngân hàng đẩy mạnh xanh hóa dòng vốn

Chẳng hạn như Vietcombank vừa phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành trái phiếu xanh, là cột mốc quan trọng trong chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp của Vietcombank.

Trước đó, BIDV đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Cuối tháng 8/2024, BIDV lại tiếp tục phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ theo Hướng dẫn trái phiếu bền vững của ICMA. Với nguồn vốn dồi dào, ngân hàng cũng đẩy mạnh xanh hóa dòng vốn. Tính đến hết tháng 6 năm nay, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt trên 75,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế.

Mới đây, VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững. Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê của NHNN đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Đến 30/9/2024, tỷ trọng dư nợ rủi ro môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22% tổng dư nợ, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bản thân các ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động và đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các NHTM đã chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; Nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; Nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các ngân hàng tiên phong trong thực hành ESG thời gian vừa qua. Thậm chí, một số ngân hàng không ngại chi phí, thuê các đơn vị chuyên môn để phát hành báo cáo minh bạch và thực hiện kiểm toán theo các chuẩn mực ESG. “Điều đó cho thấy họ là những người tiên phong sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để hướng đến mục tiêu dài hạn”, bà Dương nhấn mạnh.

Quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh

Quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh

Vì sao dư nợ tín dụng xanh còn khiêm tốn?

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đến nay dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tính đến 30/9/2024 mới chiếm 4,5% quy mô còn khá nhỏ, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng xanh ở Việt Nam còn khiêm tốn được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng ban chỉ đạo của ESG của Agribank chỉ ra do chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề nữa là với những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay phải rất kỹ lưỡng.

Theo một chuyên gia tài chính nhận định, quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức, chủ yếu do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án này. “Thị trường trái phiếu xanh nội địa cũng chỉ mới đạt khoảng 1 tỷ USD trong khi đó quy mô tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạt mức khoảng hơn 600 nghìn tỷ đồng. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện”, vị chuyên gia này đánh giá.

Thực tế cũng do chưa có danh mục phân loại xanh thống nhất nên việc đánh giá các dự án xanh tại mỗi ngân hàng thường dựa trên các tiêu chí khác nhau. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán, khiến các dự án xanh khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và cũng gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc xác định tiêu chí phù hợp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia Hiệp hội kế toán Anh Quốc (ACCA) Việt Nam cho rằng, những thị trường mới nổi như Việt Nam rất cần các danh mục phân loại xanh bởi vì thiếu thông tin, yếu tố quan trọng trong việc đánh giá ESG các doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến ngân hàng không thể dựa vào đó để đánh giá các doanh nghiệp mà phải trông chờ vào ban hành của Chính phủ về danh mục phân loại xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, với nhiều năm kinh nghiệm xây dựng các dự án xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation kiến nghị, cần nhanh chóng ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bộ tiêu chí này là cơ sở quan trọng để dự án có thể được cấp tín dụng xanh hoặc thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu xanh. Thực tế cho thấy vì chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh nên các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Về phía NHNN, bà Hà Thu Giang cho biết, để thúc đẩy tín dụng xanh, NHNN rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Mặt khác, NHNN cũng kiến nghị cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

“Trong thời gian tới, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành Ngân hàng, NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia, hỗ trợ đào tạo nhân lực để có thể bắt kịp xu hướng này”, bà Giang chia sẻ thêm.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-xanh-cho-tieu-chi-co-che-de-tang-toc-158040.html
Zalo